Các nhà khoa học thả xác cá sấu xuống đáy đại dương để xem phản ứng của sinh vật dưới biển sâu rất bất ngờ khi chứng kiến chúng hoàn thành bữa ăn trong vòng vài giờ. Cá sấu Mỹ, loài vật sinh sống nhiều ở các bãi biển, đôi khi có thể bị cuốn ra khơi nếu gặp bão lớn, theo nghiên cứu công bố hôm 20/12/2019 trên tạp chí PLOS One. Nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu cá sấu liệu có thể trở thành nguồn thức ăn cho các tổ chức sinh vật sống ở đáy biển hay không.
Sinh vật ở vùng biển sâu không có ánh sáng không thể dựa vào phương thức kiếm ăn tương những loài khác. Theo River Dixon, đồng tác giả nghiên cứu kiêm nghiên cứu sinh tại Phòng thí nghiệm McClain thuộc Đại học Louisiana-Lafayette, không có ánh sáng đồng nghĩa không tồn tại quá trình quang hợp và thực vật phù du không hiện diện. Thay vào đó, thức ăn của động vật ở vùng đáy là xác động vật phân hủy, phân và mảnh vụn rơi xuống từ tầng nước cao hơn.
Trước đó, các nhóm nghiên cứu khác thả gỗ, thực vật và xác cá voi cho những sinh vật đói mồi dưới biển sâu. Trong nghiên cứu mới, Dixon và cộng sự thả xác 3 con cá sấu Mỹ xuống độ sâu khoảng 2.000 m dọc sườn lục địa phía bắc vịnh Mexico.
Theo họ dự kiến, lớp da dày của cá sấu sẽ ngăn cản các loài ăn xác thối ngấu nghiến lớp mô mềm. Trái lại, sinh vật biển bắt đầu ăn thịt con cá sấu dài 198,2 cm, nặng 29,7 kg chỉ 43 giờ sau khi xác nó rơi xuống đáy biển. Sau 51 ngày, mô mềm của con cá sấu thứ hai dài 175,3 cm và nặng 19,5 kg cũng biến mất.
Những con bọ chân giống khổng lồ rỉa xác cá sấu cùng với một loài cá tên Macrouridae và loài giáp xác amphipod. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy một loài giun ăn xương mới mà họ chưa đặt tên. Loài vật thuộc chi giun thây ma (Osedax) này trông như lớp trầm tích phủ trên xương cá sấu.
Dixon giải thích giun thây ma ăn chất béo bên trong xương của nhiều động vật. Loài giun này chưa bao giờ được bắt gặp ăn xác cá sấu trước đây. Nghiên cứu này cũng đánh dấu lần đầu tiên phát hiện giun thây ma ở vịnh Mexico. Nhóm nghiên cứu cần kiểm tra kỹ hơn để xác nhận loài giun mới chỉ ăn bò sát hay còn ăn cả động vật khác ở vùng vịnh.
Theo nhóm nghiên cứu, con cá sấu thứ ba dài 172,7 cm và nặng 18,5 kg mất tích hoàn toàn sau 8 ngày. Tạ và dây để kéo cái xác xuống nằm cách vị trí thả khoảng 8 m. Dấu vết ở đáy biển chỉ ra xác cá sấu bị cá mập lội đi. "Dù đó là loài nào, con vật hẳn phải rất to lớn. Dựa theo tính toán, chúng tôi có thể xác định lực cắn cần thiết để làm đứt dây thừng tương ứng với một con cá mập khổng lồ. Thủ phạm có thể là cá mập Greenland hoặc cá mập 6 mang", Dixon nói.
An Khang (Theo Newsweek)