Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Khoa Hồi sức Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết kết quả kiểm tra lúc nhập viện cho thấy bệnh nhân bị viêm màng não mủ trên nền tiểu đường, dẫn đến hôn mê nguy kịch. Tuy nhiên chưa rõ nguyên nhân gây ra viêm màng não.
"Bệnh nhân đang khỏe tại sao lại đột nhiên hôn mê. Nếu điều trị viêm màng não mà không biết giun lươn thì tỷ lệ chết có thể lên đến 80% trong bệnh cảnh nặng", bác sĩ Huy chia sẻ. Hội chẩn liên viện cùng bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đặt ra vấn đề cần tầm soát giun lươn. Đúng như dự đoán, kết quả soi phân, xét nghiệm máu sau đó cho thấy bệnh nhân nhiễm giun lươn. Nguyên nhân gây viêm màng não là do giun lươn mang vi trùng có mầm bệnh lên não.
Cụ ông hồi phục khỏe mạnh sau 3 tuần điều trị. Ảnh: T.P |
Sau 3 tuần áp dụng phác đồ điều trị song song giữa viêm màng não và giun lươn, cụ ông hồi phục khỏe mạnh, diễn tiến lâm sàng tốt, không có di chứng, vẫn tỉnh táo minh mẫn, không yếu liệt. Đây là một trong những trường hợp nhiễm giun lươn nặng hiếm gặp được cứu sống ngoạn mục. Bệnh nhân sinh sống tại quận 12, là một trong những khu vực có giun lươn.
Theo bác sĩ Huy, Việt Nam được xếp vào vùng nội dịch của giun lươn, tập trung nhiều ở Củ Chi, Thủ Đức, Hóc Môn, quận 12, Long An, Bình Dương, Bình Phước... Khi tiếp xúc với đất chứa ấu trùng giun lươn, ấu trùng sẽ đi xuyên qua da vào máu, đường hô hấp, tiêu hóa, sau đó sinh sôi nảy nở và di chuyển khắp mọi nơi trong cơ thể.
Phần lớn dấu hiệu của bệnh nhân nhiễm giun lươn đều mơ hồ. Do đó khá nhiều trường hợp chẩn đoán nhầm lẫn nhiều bệnh lý của các chuyên khoa khác nhau và điều trị không kịp thời. Sau khi điều trị hết nhiễm trùng và các rối loạn khác bệnh vẫn không khỏi, bệnh nhân vẫn tái nhiễm trong thời gian rất ngắn. Các vi khuẩn gốc bám trên giun lươn vẫn còn tồn tại, tiếp tục gây bệnh cho đến khi người bệnh tử vong. Y văn thế giới ghi nhận 80% bệnh nhân nhiễm giun lươn tử vong, nguyên nhân chủ yếu là vì chữa nhầm.
Để phòng tránh giun lươn, các bác sĩ khuyến cáo cần vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, không phóng uế bừa bãi. Áp dụng phòng hộ trong lao động, sinh hoạt hàng ngày. Người thường xuyên tiếp xúc với đất nên mang găng tay, đi giày dép, ủng...
Hình ảnh giun lươn trong cơ thể bệnh nhân dưới kính hiển vi
Lê Phương