Ngày 5/4, theo tin từ UBND huyện Nga Sơn (Thanh Hoá), tại bãi nuôi ngao khu vực đảo Nẹ đang xuất hiện đàn giun lửa ăn ngao, nhất là ngao giống với tốc độ lây lan nhanh. Hiện đã có nhiều ha ngao trên địa bàn bị ảnh hưởng, trong đó hộ gia đình ông Vũ Văn Kim thiệt hại nặng nhất với diện tích khoảng 2 ha, tỷ lệ ngao mất khoảng 70%.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với Phòng nuôi trồng thủy sản kiểm tra thực địa, nghiên cứu biện pháp phòng tránh loài thuỷ sinh gây hại này. Chính quyền địa phương khuyến cáo, các chủ đầm nên hạn chế thả con giống mới trong thời gian này để giảm thiểu thiệt hại.
Trước đó, hàng chục ha ngao giống người dân thả ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã bị giun biển ăn sạch. Hiện tượng này được một số nhà khoa học nhận định là "chưa có tiền lệ", bởi trong tự nhiên ít loài nào ăn được con ngao vì ngao có vỏ cứng và sống dưới lớp cát mềm.
Sinh vật gây hại là loài giun lửa, tên khoa học Chloeia parva, thuộc lớp giun nhiều tơ (Polychaeta). Giun lửa thích ăn các loại san hô, hải quỳ và có thể ăn cả mực, ngao, tôm và các loài nhuyễn thể. Giun lửa thường ẩn mình vào ban ngày và hoạt động về đêm.
Giun lửa có chiều dài trung bình 5 - 10 cm, nhưng hy hữu có những cá thể đạt chiều dài lên đến 35 cm. Hai bên thân được bao phủ bởi một lớp lông chứa độc dày màu trắng, sẵn sàng bơm độc tố vào kẻ thù khi chúng gặp nguy hiểm.
Hiện thế giới chưa có ghi nhận về việc giun lửa phát triển mạnh và gây ảnh hưởng nặng cho ngành nuôi trồng thủy, hải sản như trường hợp xảy ra tại Ninh Bình. Để loại bỏ giun lửa hiệu quả, một số nước trên thế giới thường sử dụng những đối thủ tự nhiên của chúng như cá Dottyback, cá hàng chài họ Halichoeres, tôm lực sỹ hoặc cua Arrow.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo người dân nên cân nhắc khi chọn lựa loài vật để tiêu diệt giun lửa bởi có thể chúng sẽ tiêu diệt luôn cả thủy hải sản người dân nuôi trồng.