Ngày 24/12, đại diện Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết sau khi khám lâm sàng và soi mắt dưới kính hiển vi, các bác sĩ phát hiện một ký sinh trùng trong suốt, hình dạng giống giun chỉ, dài khoảng 14 cm, đường kính 0,5 mm đang chuyển động.
Nhận định đây là một ký sinh trùng giun trưởng thành, êkíp phẫu thuật khẩn cấp, gắp được con giun ra khỏi kết mạc mắt bệnh nhân. Sau mổ, mắt người phụ nữ không còn cộm, ngứa và đau nhức.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Khoa Mắt, cho biết loài giun này có thể là giun chỉ kết mạc hoặc giun rồng, nhưng cần làm thêm xét nghiệm chuyên sâu để xác định chính xác. Đây là một ca bệnh hiếm gặp trong nhãn khoa.
Ký sinh trùng như giun sán thường tồn tại trong cơ thể vật nuôi như chó, mèo, khỉ và có thể lây sang người qua tiếp xúc hoặc từ phân vật nuôi (do ruồi làm trung gian). Khi ấu trùng giun xâm nhập vào cơ thể, chúng di chuyển đến các cơ quan, phát triển và gây tổn thương. Trường hợp này, giun phát triển dưới kết mạc mắt. May mắn, bệnh nhân được điều trị kịp thời, tránh tổn thương nghiêm trọng ở mắt và các cơ quan khác.
Để phòng ngừa, mọi người cần ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch, vệ sinh môi trường sống, tẩy giun định kỳ và hạn chế tiếp xúc với chó, mèo.
Thúy Quỳnh