Quán cà phê nép mình bên bờ biển ấy là nơi mấy đứa sinh viên chúng tôi đi làm thêm kiếm tiền để trang trải học phí những năm đại học. Mặc dù nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách, bởi không gian nhẹ nhàng và thoáng đãng, lại có tiếng dương cầm du dương hòa điệu trong tiếng sóng vỗ. 10 giờ đêm, khi những vị khách cuối cùng rời khỏi quán, cô chủ quán tốt bụng nhẹ nhàng bảo “thôi muộn rồi, mấy đứa về đi, để đấy cô dọn nốt cho”. Sau khi chào cô, chúng tôi ra về. Vừa đạp xe, vừa tận hưởng những phút giây cuối ngày, tôi tranh thủ hít hà cái mùi hương nồng nàn của hoa sữa quyện vào trong cái lạnh tê tái của một mùa đông đang về.
Nhìn sang bên kia đường, bếp lửa của cô bán bánh mì vẫn bập bùng cháy. Bà cụ bán trái cây xếp lại những thứ quả còn dư vào cái thúng con con. Bác xích lô vẫn cố nán lại trước khách sạn để chờ thêm một vài người khách. Những đôi tình nhân, tay trong tay dạo phố, nói cười ríu rít. Mấy cậu choai choai thì rú ga, hò hét ầm ĩ…
Năm nay, đông về muộn hơn mọi năm, bởi thế nên khi đông gần đi được nửa chặng đường cũng là những ngày cuối năm. Đông sắp qua cũng là khi xuân sắp tới. Mùa được nhiều người trông mong và chờ đợi. Mùa đầu tiên của một năm, mùa của bao hy vọng. Mùa của cây nảy lộc, mùa của hoa đơm bông, mùa của người yêu người, mùa của ngày sum họp. Mùa với bao nhiêu dự định, mùa với những chặng đường rong ruổi trong hành trình của đời người. Giữa thời khắc giao mùa, giữa thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, trong trái tim mỗi người những kỷ niệm, những đón đợi, những chờ mong lại thường trực hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, với những phận người, đông về, họ lại cực khổ hơn. Đông về, bà cụ ấy lo hàng ế ẩm, không có tiền mua thuốc cho ông cụ đang bị bệnh. Bác xích lô thì thấp thỏm không biết lấy tiền đâu cho con đóng học phí, khi mà trời lạnh quá, người ta chỉ muốn được ở trong nhà chứ chẳng còn ra đường nhiều như trước. Cô bánh mì thì sợ không ai mua, trong khi cả nhà 3 đứa con và mẹ già trông chờ vào cái xe bánh mì ấy… Còn ở quê, bố mẹ và bao người nông dân lại lo, đông về lạnh quá, những cây lúa chẳng đủ sức chống chọi. Đàn gà thì dịch bệnh, cứ chết dần, chết mòn. Những cây chuối cứ quắt lại, chẳng trổ được bông. Thế là những ngày sắp tới, mùa màng thất bát, gạo trong nhà lại vơi đi. Tiền học của những đứa con lại phải đi vay, đi mượn. Những cụ già, những đứa trẻ con lại tím tái đi vì lạnh.
Những kẻ xa quê như chúng tôi lại sợ, những ngày cuối năm trôi đi nhanh quá, chẳng kịp kiếm đủ tiền mua vé tàu về quê, chẳng kịp kiếm đủ tiền mua vài món quà nhỏ cho người thân, chẳng kịp kiếm đủ tiền để giúp mâm cơm gia đình thêm đầy đủ, chẳng kịp kiếm đủ tiền để giúp cha mẹ trang trải bớt nợ nần…
Với nhiều người, những ngày cuối năm là những dự định về những chuyến phượt, về những địa danh, về những nhà hàng, những quán cà phê, những cuộc gặp gỡ... Nhưng cũng với nhiều người, những ngày cuối năm là những dự định với người khác tưởng chừng rất nhỏ bé, nhưng với họ và gia đình là niềm vui lớn lao. Với em tôi, những ngày cuối năm là cố gắng “kiếm đủ tiền để mua cho ba mẹ cái máy giặt và cái máy nước nóng. Năm nay lạnh lắm chị à!”. Với những người công nhân, những ngày cuối năm là hình ảnh những đứa con đang chờ đợi ở quê. Với cha mẹ già, những ngày cuối năm là ngóng trông những con tàu về bến. Với người dân quê, những ngày cuối năm là những chờ mong tiết trời ấm áp, bớt khắc nghiệt hơn một chút để năm nay không bị mất mùa. Với những đứa trẻ, những ngày cuối năm là mong đợi về những cái áo ấm, những bữa ăn có thêm con cá, miếng thịt và cha mẹ chúng không phải lặn lội giữa trời rét buốt.
Giữa những ngày cuối năm, tôi cầu mong cuộc sống năm đang tới, người bớt vất vả, bớt phải lo toan, thiên nhiên hiền hòa hơn để con người bình an hơn một chút.
Cao Nguyễn Hồng Phượng
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. |