- Theo kế hoạch của Bộ tháng 5-6/2009 sẽ đưa ra quyết định về việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2010. Vậy việc này đang được thực hiện như thế nào?
- Hiện, Bộ giao cho thường trực Ban chỉ đạo thi, đặc biệt là Cục Khảo thí làm đề án xây dựng khung chính sách tuyển sinh, phương án thi... Do vậy, việc tổ chức thi năm nay cũng có tính chất quyết định đến chủ trương của năm 2010.
Xã hội đồng thuận rất cao việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, chỉ có điều phải làm thế nào tổ chức kỳ thi thật sự nghiêm túc như đang làm đối với thi tuyển sinh ĐH, CĐ và THPT những năm gần đây. Chúng ta sẽ phấn đấu theo đúng lộ trình đã được đề ra cách đây gần 3 năm để năm 2010 sẽ cố gắng thực hiện.
Năm 2009 có thể là năm cuối cùng thực hiện tuyển sinh ĐH, CĐ. Ảnh: Tiến Dũng.
- Năm nay được coi là năm bản lề, vậy sẽ có thêm những điểm mới nào so với kỳ thi và tuyển sinh 2008?
- Điểm mới thứ nhất chính là tổ chức thi theo cụm. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cho học sinh lớp 12 hoặc thí sinh tự do theo các cụm trường. Mỗi cụm có ít nhất 3 trường THPT hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên, tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn nơi có điều kiện tốt hơn để tổ chức thi.
Cách thức tổ chức như thế nào để phối hợp 3 trường thì các Sở sẽ làm việc với Ban chỉ đạo thi quốc gia để thống nhất. Ở những vùng đặc biệt, khoảng cách của các trường quá xa thì có thể tổ chức mỗi trường THPT là một cụm hoặc một cụm thi 2 trường, nhưng phải có sự đồng ý của Bộ GD&ĐT. Làm như vậy mới đảm bảo mặt bằng chung chất lượng, kỷ cương chung đối với kỳ thi quốc gia.
Vấn đề thứ hai là chấm chéo thi bài tốt nghiệp THPT giữa các tỉnh với nhau theo kiểu tỉnh A chấm cho tỉnh B, tỉnh B chấm cho tỉnh C, tỉnh C chấm cho tỉnh A. Tỉnh nào chấm thi đều phải làm hết quy trình từ đầu đến cuối, kể cả phúc khảo, chỉ gửi kết quả cho những tỉnh mình chấm điểm.
Đây là hai điểm mới cốt lõi nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009. Còn điểm mới nữa là năm nay sẽ huy động lực lượng giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi và thanh tra uỷ quyền, đặc biệt ở những trường tổ chức thành một cụm thi.
Dù đánh giá cao việc chấm chéo giữa các tỉnh nhưng nhiều ý kiến vẫn lo ngại có sự không khách quan. Ông nghĩ sao về điều này?
- Theo chúng tôi, việc các tỉnh có thể "bắt tay nhau" là không thể xẩy ra, có muốn cũng không làm được. Việc quy định tỉnh nào chấm cho tỉnh nào, Cục Khảo thí cũng như Ban chỉ đạo thi sẽ đề xuất. Thứ hai, không phải chấm tay đôi mà quay theo dạng vòng tròn. Thứ 3, trong đáp án thang điểm đã rõ ràng, quy trình chấm rất chặt chẽ, nên chúng tôi rất yên tâm.
"Năm 2007 thanh tra ủy quyền nghiêm hơn vì ít bị ràng buộc về tình cảm. Và chính điều này đã khiến kết quả thi năm ngoái cao hơn" - Phạm Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La.
- Tại hội nghị vừa rồi, nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng, từ năm 2008, thanh tra uỷ quyền đã bắt đầu bộc lộ sự "nể nang" đối với các tỉnh. Năm nay, Bộ có giải pháp gì khắc phục tình trạng này?- Năm nay chúng tôi đặc biệt chú ý đến chất lượng các trường cử cán bộ đi làm thanh tra uỷ quyền. Theo đó, thanh tra uỷ quyền phải có đủ trình độ chuyên môn cũng như trách nhiệm.
- Trong bảng xếp hạng các trường THPT vừa được Bộ công bố, nhiều tỉnh có độ "vênh" rất lớn giữa kết quả thi THPT và tuyển sinh đại học. Phải chăng ở những tỉnh này việc tổ chức thi có vấn đề?
- Tôi không nghĩ như vậy bởi năng lực của học sinh cũng có phân tầng theo điều kiện học tập. Có thể, thí sinh thi phổ thông được điểm thấp nhưng lại đỗ đại học cao. Đây không phải là yếu tố quyết định mà chỉ là một yếu tố cần xem xét.
- Trong những cuộc họp trước, Bộ có ý định bỏ thi cao đẳng nhưng sao hiện vẫn giữ kỳ thi này?
Năm nay, nếu không có thay đổi sẽ là năm thực hiện kỳ thi tuyển sinh cuối cùng. Sau khi cân nhắc, Ban chỉ đạo thi quyết định vẫn giữ ổn định kỳ thi. Các trường cao đẳng cũng gửi văn bản mong muốn được tạo cơ hội cho số thí sinh rủi ro hoặc có điều kiện phù hợp với hệ cao đẳng dự thi đợt 3. Thường trực Ban chỉ đạo thi đồng ý với kiến nghị đó. Chứng tỏ rằng Ban chỉ đạo thi luôn luôn lắng nghe ý kiến.
Tiến Dũng ghi