Người gửi: Van Anh
sươGửi tới: Ban Đời sống
Tiêu đề: Trinh tiết không thể là thước đo chính xác sự đức hạnh của người phụ nữ
Có lẽ chưa bao giờ một chủ đề nào lại được nhiều người bàn tán sôi nổi như vậy và lâu đến như vậy trên diễn đàn này. Thật sự là ban đầu, cũng như nhiều bạn gái khác, tôi cảm thấy rất bất bình khi một vấn đề thuần tuý thuộc quyền riêng tư của người phụ nữ bị các đấng mày râu đem ra phán xét bình luận, và cảm thấy giá trị của người phụ nữ bị hạ thấp khi khép vào một thứ thước đo hạn hẹp đến thế này.
Nhưng về sau, theo dõi các bài trao đổi, tôi cũng thấy thú vị, và nghĩ biết đâu đây lại là một dịp tốt để nữ giới được bày tỏ quan điểm, bảo vệ lý lẽ cho bản thân mình. Từ trước đến nay, chị em thường là người thụ động chịu sự phán xét của xã hội về vấn đề “trinh tiết” (cái mà về lý, đáng lẽ phải hoàn toàn thuộc quyền sở hữu và định đoạt của chính họ chứ, phải không nhỉ?).
Đã có rất nhiều bài viết hay và đáng đọc: những quan điểm khá thú vị của bạn Priscilla, câu chuyện đau lòng của bạn Xuân Thu, cách nhìn rộng lượng và thấu tình đạt lý của anh Trọng Tài... Tôi chỉ muốn góp thêm ở đây một đôi lời.
Các anh cho rằng trinh tiết là món quà tối thượng vợ tặng cho mình, và chứng tỏ được rằng vợ yêu mình hơn cả nên mới để dành thứ quý giá “có một không hai” đó để dâng hiến cho mình. Điều này nghe vừa đáng bực vừa nực cười. Đáng bực vì như nhiều bạn gái đã nói, nó dường như cho thấy đàn ông đánh giá tình yêu của người phụ nữ qua mỗi cái màng mỏng manh.
Nực cười vì các anh cứ thử nghĩ mà xem. Ừ thì cứ cho rằng phụ nữ hiểu rõ các ông chồng tương lai sẽ suy nghĩ như vậy, và vì sợ các anh sẽ dằn vặt đay nghiến cả đời, nên nghiến răng giữ gìn. Cho dù những mối tình trước đó chân thành và sâu sắc (tại sao các ông chồng cứ thích nghĩ rằng chỉ đến mình, vợ mình mới biết yêu thật sự?), cho dù gần gũi với những người yêu trước đó cả về tâm hồn và thể xác, các cô gái cũng sẽ cố làm sao cho cái màng kia còn nguyên vẹn để ông chồng tương lai (mà lúc ấy cô chưa biết là ai) khỏi tự ái. Vậy thì hành động giữ gìn đó suy cho cùng là một sự thận trọng có tính toán, chứ nó thể hiện tình yêu của cô ấy với người chồng tương lai (một người chưa biết mặt) ở chỗ nào?
Các anh - những người cho rằng “trinh tiết” (theo nghĩa thể xác) phản ánh phẩm hạnh của người phụ nữ - có bao giờ nghĩ rằng sự “trong trắng” và đức hạnh không hề được bảo hành bởi cái màng trinh? Nếu một người con gái còn trinh đến ngày cưới (loại trừ những thủ thuật như có bạn đã đề cập) thì vẫn chẳng lấy gì đảm bảo trước đó cô ấy chưa yêu và gần gũi với ai. Sự gần gũi thể xác có muôn hình vạn trạng và cái bước cuối cùng làm người con gái bị “mất” ấy chỉ là một trong những thao tác khá thô sơ thôi.
Tôi, không được may mắn như một số người con gái khác, cũng đã trải qua vài mối tình mà vẫn chưa đến được bến đỗ cuối cùng. Điều may mắn là những người bạn trai đó đều tôn trọng và có ý thức giữ gìn cho đối tác nên nếu xét về khía cạnh thể chất, chắc người chồng tương lai sẽ không có gì để phàn nàn. Nhưng thú thực cho đến lúc này, trong thâm tâm tôi cũng không thể tự hào rằng mình còn hoàn toàn trong sáng. Những người từng yêu hẳn hiểu tôi nói gì. Nếu đã gần gũi nhau đến thế, thì có hay không cái bước cuối cùng kia thử hỏi khác gì nhau? Vậy nếu quan tâm về đức hạnh vẹn toàn thì bây giờ ngoài cái bằng cớ hiển nhiên là màng trinh, chắc anh nào cũng sẽ phải dằn vặt, tra khảo vợ xem trước khi đến với mình, cô ấy đã gần gũi cận kề với người yêu trước theo những cách nào nữa?
Và để phòng các trường hợp như thế xảy ra, những anh theo chủ nghĩa cầu toàn chắc sẽ yêu cầu “trinh tiết” theo nghĩa tuyệt đối, tức là trước khi đến với mình, vợ mình phải chưa yêu ai bao giờ. Tôi không có bình luận gì thêm cho những trường hợp này, chỉ biết chúc các anh may mắn, mà ở đây phải may mắn đến hai lần:
- Thứ nhất, may mắn yêu được người con gái chưa yêu ai và chưa có ai yêu bao giờ (nhưng đừng là người tệ quá đến nỗi không ai thèm yêu nhé). Chắc các anh phải chịu khó đi kiếm từ các lớp 10, lớp 11 ở trường phổ thông thôi.
- Thứ hai, yêu được rồi thì cũng lấy được luôn, không có sự cố gì xảy ra để tình yêu tan vỡ. Nếu chẳng may chuyện không thành thì nghĩa là anh đã làm hỏng cả cuộc đời cô ấy, vì giả dụ xã hội toàn người có quan niệm như anh thì sau này ai sẽ chấp nhận và “tha thứ” cho cô ấy để lấy làm vợ đây? (À mà nếu xét theo lẽ công bằng, thì khi ấy các anh cũng đã là người bỏ đi vì không còn “trinh tiết” nữa rồi, phải không?).
Nhưng tôi cầu mong xã hội sẽ ngày càng có nhiều những người đàn ông hiểu biết, rộng lượng, biết đánh giá người phụ nữ trên nhiều phương diện, và biết yêu người phụ nữ vì chính những phẩm chất tốt đẹp của họ chứ không phải vì mong muốn thoả mãn cái tôi ích kỷ của cá nhân mình. Là những người đàn ông, thay vì loay hoay ghen tuông với quá khứ không thể thay đổi nổi của vợ mình, hãy biết nhìn tới tương lai để xây dựng một cuộc sống gia đình tốt đẹp và một xã hội công bằng, nhân ái hơn. Hãy chia sẻ, cảm thông và cùng phụ nữ chúng tôi gánh vác trách nhiệm này, các anh nhé.