Sau cuộc tình không trọn vẹn, hai người chia tay và trở thành "người cũ" của nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng để "người cũ" thành "người xa lạ". Có một số người bị ám ảnh bởi tình cũ đến mức không thể nào dễ dàng buông tay và bước tiếp. Tại sao lại như vậy?
Theo phân tích tâm lý học, "không quên được người yêu cũ" là cảm giác được gây ra bởi một số yếu tố. Một số người sợ cảm giác một mình, luôn khao khát sự đồng hành nói chung, họ không thích đơn độc sau quãng thời gian từng có một người nào đó ở bên chia sẻ cuộc sống. Họ muốn lấp đầy khoảng trống. Bên cạnh đó, sau khi chia tay, không ít người rơi vào tâm lý: "Có lẽ mình đã sai lầm, sẽ tốt hơn nếu có thể cho hai phía một cơ hội lần thứ hai". Một khả năng nữa có thể xảy ra, đó là sau khi chia tay, bạn chưa tìm được "mối" thích hợp - người mà bạn thực sự hứng thú. Khi đó, người yêu cũ vẫn là một lựa chọn không tồi.
Sara Tang, một nhà báo, một chuyên gia tình dục học, đồng thời là người sáng lập ra Sarasense, một trung tâm trực tuyến giúp cải thiện kỹ năng phòng the của Singapore nhận định: "Có không ít lý do, yếu tố thực tế hoặc cảm xúc khiến cho nhiều người vẫn giữ liên lạc với người yêu cũ. Có người coi người cũ là bạn bè, trong khi một số coi người cũ như "chiếc nạng cảm xúc", hay là một lựa chọn dự phòng".
Theo Sara Tang, việc có nên giữ liên lạc với người yêu cũ hay không tùy thuộc vào mối quan hệ và bản chất của việc chia tay. Không có câu trả lời trắng đen rõ ràng, nó phụ thuộc vào động lực giữ liên lạc.
"Nếu mối quan hệ kết thúc tốt đẹp, việc tiếp tục duy trì liên lạc sẽ giúp cuộc sống của bạn phong phú hơn mà không gây ra bất cứ cảm giác khó chịu cho bất cứ người nào liên quan, bao gồm cả đối tác hiện tại của hai phía. Tuy nhiên, ngược lại, nếu như việc giữ liên lạc với người yêu cũ khiến bạn không thể nào bước vào một mối quan hệ mới, hoặc khiến mối quan hệ với đối tác hiện tại bị ảnh hưởng, thì bạn nên suy nghĩ lại. Điều này thường xảy ra với những người vẫn còn tình cảm với người yêu cũ và thậm chí muốn quay lại với họ", Tang nói.
Vậy nếu bạn cứ muốn tâm sự với người yêu cũ thì sao?
Theo Tang, khi hai người đã chia tay nhưng vẫn muốn tâm sự với nhau, điều đó có nghĩa rằng giữa cặp đôi vẫn có một mối quan hệ bền chặt, cả hai vẫn không ngừng quan tâm đến nhau.
Khác với người mới, người cũ mang đến cảm giác thoải mái và thân thuộc, dễ dàng để tâm sự. Vì thế, việc bạn muốn trò chuyện với người cũ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi cả hai đều nhìn rõ rằng họ không muốn quay lại, và mối quan hệ đã hoàn toàn chấm dứt. "Bạn cần có thời gian để xây dựng mối quan hệ mới. Điều quan trọng nữa là việc bạn tâm sự với người cũ không làm suy yếu mối quan hệ hiện tại dưới bất cứ hình thức nào, ví dụ như tiết lộ những bí mật của đối tác hiện tại, hoặc kể xấu người hiện tại với người cũ", Tang nhận định.
Nhà tâm lý học chỉ ra rằng, mặc dù việc xem nhau như những người bạn sau khi chia tay là điều hoàn toàn được chấp nhận, nhưng cần có một ranh giới, một vùng an toàn cần được đặt ra: "Hãy làm rõ những mong muốn của mình xung quanh mối quan hệ, chia sẻ thẳng thắn với người cũ, yêu cầu họ tôn trọng các quy tắc đó và luôn giữ vững quan điểm của mình. Bạn cũng cần nhấn mạnh với người yêu cũ rằng những ranh giới này không phải là sự từ chối, mà là một phần cần thiết để đảm bảo rằng mối quan hệ này sẽ lành mạnh về cả tinh thần và cảm xúc".
Tang nhận định, giữ quan hệ với người yêu cũ là một con dao hai lưỡi: "Việc tìm lại với cảm giác an toàn quen thuộc đôi khi là thứ gì đó thật hấp dẫn, nhất là với người hiểu rõ về cơ thể bạn, nhất là thời điểm bạn không có đối tác mới". Thậm chí, đây là lý do nhiều người dù có đối tác mới nhưng vẫn có quan hệ tình dục với người cũ, Tang nhận định. "Đây là một điều cực kỳ phổ biển: người ta cảm thấy thoải mái và quen thuộc.
Nhiều người thậm chí cho rằng họ có thể sex với người cũ nhưng vẫn giữ được ranh giới cảm xúc tách biệt. Tuy nhiên, thực tế thường phức tạp hơn rất nhiều. Quan hệ tình dục có một sức mạnh vô cùng lớn, vì nó khiến cho não bộ giải phóng hoóc môn và các chất hóa học, giúp liên kết chúng ta với người khác. Nó có thể khiến những cảm xúc của bạn về ai đó hồi sinh, tạo ra những tín hiệu lẫn lộn, gây ra nhầm lẫn".
Tang cho rằng, nên hết sức thận trọng khi quan hệ tình dục với người yêu cũ: "Chớ nên vội gán bất cứ ý nghĩa cảm xúc nào cho câu chuyện sex thăng hoa. Thật dễ dàng để lý tưởng hóa và lãng mạn hóa người yêu cũ sau một đêm ái ân, nhưng hãy nhớ rằng lý do khiến hai người chia tay nhau vẫn còn tồn tại".
Trong trường hợp bạn muốn tái xây dựng lại mối quan hệ sau lần chung chăn gối ấy, hãy đảm bảo rằng cả hai đều mong muốn điều đó và nghiêm túc với quyết định ấy.
Thùy Linh (Theo SCMP)