Theo một nghiên cứu mới từ Viện bảo hiểm an toàn giao thông Mỹ IIHS (Insurance Institute for Highway Safety) và Viện dữ liệu tổn thất đường bộ Mỹ HLDI (Highway Loss Data Institute), tính năng giữ làn đường chủ động không đóng góp nhiều vào việc tăng độ an toàn cho xe. Từ đó, IIHS cho rằng không nên coi giữ làn chủ động là một tính năng an toàn, mà đơn thuần là tiện nghi.
Đây là tính năng thường thấy trong gói công nghệ trợ lái ADAS (Advanced Driver Assistance Systems), sử dụng camera hoặc cảm biến để phát hiện làn xe, từ đó tự đánh lái khi phát hiện lệch làn.
Nghiên cứu của IIHS và HLDI được thực hiện trên số liệu thống kê của hai mẫu xe, bao gồm Nissan Rogue đời 2017–2019 trang bị gói ADAS ProPilot Assist, và BMW đời 2013–2017 trang bị gói ADAS Driving Assistant Plus.
Các nghiên cứu trước đó đã tìm thấy nhiều lợi ích của một số tính năng ADAS. Trong các tính năng ADAS giúp tránh va chạm của BMW, nhiều tính năng đã giảm tần suất yêu cầu bồi thường liên quan đến thiệt hại xe cộ, trách nhiệm tài sản, thương tích.
Tỷ lệ va chạm gần như không khác biệt
Dữ liệu về tỷ lệ va chạm của các xe có trang bị gói ADAS tuy có giảm nhẹ, nhưng không có sự khác biệt đáng kể nào về tỷ lệ va chạm do chệch làn đường, khi so sánh giữa những chiếc BMW được trang bị tính năng cảnh báo/giữ làn tự động so với xe không có. Tuy nhiên, những chiếc BMW có trang bị tính năng này ít xảy ra tai nạn liên quan đến chệch làn đường hơn vào ban ngày hơn.
Trên xe Nissan Rogue, tính năng giữ làn đường đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ va chạm đuôi xe phía trước và tai nạn liên quan chệch làn đường, tỷ lệ này tăng cao ở các mẫu Rogue có thêm hệ thống trợ lái nâng cao như cảnh báo va chạm phía trước, phanh khẩn cấp tự động, hơn là những xe không trang bị. Tuy nhiên, ở trên những đường cho phép đi đưới 56 km/h, tỷ lệ va chạm không được cải thiện, IIHS cho rằng lý do vì dưới tốc độ này tính năng giữ làn đường không hoạt động hiệu quả, vì hệ thống ProPilot Assist cần bám theo xe khác để giữ làn.
Đây không phải là lần đầu một tính năng có ý nghĩa tăng sự thuận tiện cho tài xế được gán vào việc khiến xe trở nên an toàn hơn khi lái. Vào năm 2018, IIHS cho rằng Tesla đã gán sai lợi ích an toàn của hệ thống lái xe tự động một phần Autopilot của mình khi trên thực tế, các tác động đến yếu tố an toàn của xe đến chủ yếu từ phanh khẩn cấp tự động và cảnh báo va chạm phía trước.
Việc kiểm tra tính an toàn của hệ thống giữ làn đường khó khăn hơn các hệ thống tránh va chạm khác, vì người lái phải chủ động kích hoạt hệ thống này, thay vì để hệ thống tự động hoạt động. Không phải ai có hệ thống giữ làn đường cũng sử dụng tính năng này, và ngay cả những người sử dụng xe có giữ làn đường cũng không kích hoạt mọi lúc mọi nơi.
Không nên coi giữ làn là tính năng an toàn
Chỉ 6% vụ tai nạn do cảnh sát báo cáo ở Mỹ có nguyên nhân là va quệt ngang đường hoặc cùng hướng do vô tình rời làn đường hoặc đâm đuôi xe xảy ra trên đường cao tốc, theo báo cáo.
Vì không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy hệ thống trợ lái tự động hóa một phần như giữ làn đường chủ động có thể ngăn ngừa va chạm, nên người dùng và cơ quan quản lý không nên nhầm lẫn đây là tính năng an toàn, và nên xem như một tiện ích giúp việc lái xe thuận tiện, thoải mái hơn, IIHS cho biết. Cơ quan này khuyến cáo các hãng xe nên tìm cách giảm nguy cơ người lái mất tập trung hoặc tham gia vào các hoạt động gây mất tập trung khi sử dụng các tính năng trợ lái bán tự động.
Hồ Tân