Làng tôi toàn là giáo viên. Giáo viên trong những năm 1980-1990 nghèo lắm. Các bố, các mẹ ngoài đi dạy ra còn làm rất nhiều việc như nấu rượu, nuôi heo, nuôi dê, trồng chanh, khoai, lạc... Nhưng đám trẻ con chúng tôi chẳng ai biết nhà mình nghèo. Sáng chúng tôi vui vẻ đến trường học tập, chiều về nhà đỡ đần giúp bố mẹ. Đứa trông nhà, trông em, nấu ăn giặt dũ, đứa chăn dê, hái củi trên đồi... Bữa cơm độn sắn độn khoai, cả đám trẻ vui vẻ học hành, vui vẻ làm lụng, vui vẻ cười đùa. Cuộc đời rất đơn giản và hồn nhiên! Trong tâm hồn trẻ thơ lúc đó, đứa nào cũng mong đến Tết. Tết có áo mới, được đi chơi, tha hồ mà ăn thịt ăn bánh cho bõ công làm lụng vất vả cả năm trời.
Tết quê tôi được cả làng chuẩn bị từ rất sớm. Các bà, các mẹ nuôi heo từ tháng tư, tháng năm, nuôi gà từ tháng sáu, tháng bảy. Tháng mười mùa nếp mới, ngoại tỉ mẩn chọn những mẻ nếp ngon nhất, chắc nhất phơi khô khén, bỏ riêng vào chum dành dụm để đến Tết mang cho nhà tôi và các dì các cậu. Hầu như nhà nào trong làng cũng trồng một cây hoa đào hoặc mận. Cả năm chăm sóc tỉ mẫn để chiều ba mươi Tết chọn một cành đẹp nhất mang vào nhà chưng. Mâm ngũ quả hái trong vườn nếu thừa đem mang biếu hàng xóm, thiếu thì sang xin. Những trưa giáp Tết, lũ trẻ làng trốn ngủ ra lũy tre làng thi nhau làm hoa, cắt con rô, xức xích từ những tờ họa báo cũ. Vui thật vui!
Ngay từ đầu tháng chạp, mẹ đã vội vã ra chợ quê mua mấy miếng vải về may áo cho cả nhà. Sau mỗi ngày làm lụng vất vả mẹ lại mang vải ra cắt và may. Năm mới được khoác lên người cái áo mẹ dày công may cả tháng trời, ai cũng thấy thật là ấp áp, ấp như tấm lòng của mẹ. Bây giờ mỗi khi Tết đến, vào shop mua một cái áo mới, lại thấy lòng nao nao, sống mũi cay xè, nhớ bàn tay mẹ vất vả khâu áo Tết ngày nào.
Tôi thích nhất là khoảng thời gian giáp Tết, cả nhà không thiếu một ai. Mỗi người một việc, vừa làm vừa kể râm ran những chuyện năm cũ, chuyện làng xóm, chuyện học hành. Mẹ và tôi tất bật với những phiên chợ quê mua mua, bán bán nào hành tỏi, lá dong xanh , câu đối đỏ... bố và em Đức chuẩn bị củi, quét dọn bàn thờ tổ tiên, trang trí nhà cửa, lên đồi tảo mộ, sang ngoại làm thịt heo, gói bánh chưng... Đến chiều ba mươi Tết, nhà cửa sạch đẹp, tinh tươm.
Trong gian bếp của mẹ, nồi thịt đã đông, dưa hành đã chín, cây giò tai chen chân đứng cạnh mấy anh banh tét, mùi thịt giả cầy bốc lên ngào ngạt . Trên bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói, mùi hương trầm nồng nồng, cặp bánh chưng hình vuông, mâm ngũ quả tròn tròn đầy màu sắc, nải chuối sứ thật to ôm trọn quả bưởi như bàn tay của phật tổ đang dang tay chở che cho trái đất, cho chúng sinh. Những nụ đào phai đang hé, chị em tôi từ đầu đến chân thơm ngát mùi hương bưởi, sả trong nồi nước lá mẹ nấu... Tất cả đã sẵn sàng... để rồi vỡ òa trong khoảnh khắc thiêng liêng nhất của năm "Giao thừa".
Bố đốt nén nhang lên bàn thờ tưởng nhớ đến quá khứ, đến ông bà tổ tiên. Mẹ tặng cả nhà mỗi người một tờ bạc mới, như một lời chúc phúc khỏe mạnh, vui vẻ, may mắn, hạnh phúc. Lời chúc phúc của mẹ, mùi hương trầm nghi ngút, tờ bạc mới tinh, tiếng pháo nổ râm ran đì đùng, hương sả thơm lừng trong mái tóc theo tôi vào trong giấc ngủ , theo tôi lớn lên, theo tôi đến tận bây giờ.
Tôi và đám trẻ con trong làng có một công việc khá đặc biệt chiều chiều khi đàn trâu bò con nào con nấy no nê thong thả về nhà, lũ trẻ chúng tôi tất bật quảy gánh lên đồi hốt phân. Ôi chao, đông lắm! có khi còn đông hơn cả đàn bò ấy chứ, nên nhiều khi một bãi phân có đến bốn năm cái xẻng thò vào. Tôi sướng nhất là chiều mùng hai, mùng ba, mùng bốn Tết, phân bò nhiều vô kể. Mấy đứa trẻ trong làng lại mải đi chơi Tết, tôi và Đức lại tranh thủ lên đồi làm mấy gánh tha hồ hốt, chẳng sợ ai tranh, chẳng mấy chốc mà gánh phân đầy ắp. Quảy gánh phân nặng trĩu trên vai mà lòng hai chị em như đang đi mây về gió, miệng hát líu lo vang cả một góc trời. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn thấy sướng rơn người.
Sinh ra từ làng, Tết làng là một phần rất ngọt ngào và thiêng liêng trong ký ức tuổi thơ tôi. Cho đến tận bây giờ dù đã trưởng thành, lớn khôn, có một gia đình nhỏ của riêng mình, được sống trong một ngôi nhà tiện nghi, trong thành phố hiện đại và năng động này, nhưng cứ mội dịp Tết đến, xuân về là lòng tôi lại chộn rộn bồi hồi nhớ về quê mẹ. Tôi nhớ những cái Tết nghèo mà vui, ấm áp tình người, tình gia đình, hàng xóm. Nhớ cả cái niềm hạnh phúc khi quảy gánh phân đầy ắp, như quảy cả mùa xuân trên vai, ôi nhớ sao là nhớ, cả những cái gì ngày xửa, ngày xưa nhất.
Ký ức đó ăn sâu vào tâm thức tôi tạo cho tôi một thói quen rất dễ thương. Ít nhất cứ ba năm một lần, gia đình tôi lại lục đục kéo nhau về quê ăn Tết. Dẫu bây giờ Tết ở làng không còn như xưa nữa, nhưng nhìn chung những truyền thống cơ bản vẫn được giữ gìn.
Về quê ăn Tết. Một phần tôi muốn gần gia đình, về với mẹ, sống lại với những gì xưa cũ nhất, nhắc cho mình nhớ những tháng năm qua. Một phần tôi muốn con tôi được trải nghiệm, được sống trong cái bầu không khí, chân tình, sum vầy, đầm ấp ấy. Để sau này khi lớn lên, Tết trong ký ức của con tôi thật tươi mát, sinh động và giàu có. Và khi đi qua miền sâu thẳm ấy, con tôi nên người, Tết quê tôi được gìn giữ và lưu truyền.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
hienbg2050