![]() |
Giờ thể dục của học sinh Trường tiểu học Thống Nhất ở Savanakhet. |
Hội quán do bà con người Việt dựng nên bằng mồ hôi công sức của Việt kiều ở Savanakhet này từ gần 30 năm trước. Đây là nơi chốn đi về của bà con không chỉ tại đây mà nhiều vùng khác trên đất Lào mà cả bà con từ Việt Nam mỗi lần sang.
Bác Trần Chí Thuận, hội trưởng Hội Việt kiều ở Savẳn, tiếp chúng tôi tại văn phòng hội nằm ngay hội quán. Bác Thuận cho hay cộng đồng Việt kiều tại đây có mặt từ rất sớm nhưng phải đến năm 1977 mới khởi công xây hội quán này.
Một Việt kiều có lòng với cộng đồng đã bán cho hội 1.600m2 đất với giá rẻ, khi ấy bác Phạm Ngọc Sơn (nay sống ở Hà Nội) đã vận động bà con Việt kiều ở Savẳn ai có công góp công, có của góp của. Thiếu thì vận động góp tiếp, rồi văn nghệ gây quỹ, mua nợ vật liệu trả sau, mất gần hai năm, mãi đến cuối năm 1978 thì xong.
Điều khiến chúng tôi cảm động nhất là khi đến thăm những ngôi trường Việt ở Savẳn này, gặp những thầy cô giáo từ Việt Nam sang dạy, nhìn những ông bố bà mẹ đón con trước cổng trường cứ cảm giác như mình đang ở đâu đó bên nhà khi nghe ríu ran tiếng chào giọng Việt mừng rỡ của các em học sinh giờ tan học.
Bác Thuận kể rằng từ năm 1979 hội đã tìm cách đưa con em Việt kiều về Huế học, những em học xong trung học thì thi vào đại học. Trong số 50 học sinh đợt đầu ấy nay nhiều người đã trưởng thành, lập các phòng mạch riêng rất uy tín ở đất này.
Bác Tuyên, cũng ở trong ban chấp hành Hội Việt kiều ở Savẳn, lái ôtô đưa chúng tôi đi thăm một số anh chị em bác sĩ đã tốt nghiệp y khoa khóa đầu ấy.
Đến phòng mạch của anh Hồ Văn Minh chúng tôi bắt gặp nhiều bệnh nhân người Lào tìm đến khám. Anh Minh đang trực tại một phòng mạch khác, tiếp chúng tôi là chị Hồ Thị Ngọc Huệ, em gái anh Minh, cũng là một bác sĩ.
Bà con Việt kiều ở Savẳn góp tiền mua một ngôi nhà ở số 10/11 Hai Bà Trưng (thành phố Huế) cho con em về đấy trọ học. Khi ấy chị Huệ theo học lớp 9 Trường cấp II Vĩnh Lợi A, sau đó học tiếp cấp III rồi thi vào Đại họcY Huế năm 1983. Năm 1989 chị tốt nghiệp bác sĩ rồi ở lại học thêm hai năm về chuyên khoa sản.
![]() |
Chị Hứa Ngọc Huệ - hiệu trưởng Trường Thống Nhất. |
Anh Hồ Văn Minh học chuyên khoa ngoại, tốt nghiệp y khoa còn mang theo chị Trần Thị Phượng, một cô gái Huế học cùng lớp y với anh, theo anh lên đất Lào. Chị Huệ bảo riêng nhà chị đã có sáu bác sĩ.
Không chỉ có đội ngũ y bác sĩ được hội chăm lo gửi gắm nay thành đạt mà từ bấy đến nay hằng năm hội đều gửi học sinh về học, không chỉ Huế mà còn ở Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM.
Để chuẩn bị cho con em Việt kiều có vốn tiếng Việt theo học những chương trình đại học ở quê nhà, Hội Việt kiều ở đây đã có hẳn một chiến lược đào tạo từ nhỏ. Trường mẫu giáo Lạc Hồng và Trường tiểu học Thống Nhất đang là những ngôi trường gieo hạt ươm mầm như thế.
Nguyễn Vĩnh Hà, vốn là giáo viên ở Quảng Trị, hai năm nay sang dạy tiếng Việt ở trường Thống Nhất, đưa tôi đến thăm Trường tiểu học Thống Nhất ở đường Sivavangvong.
Cô Hứa Ngọc Huệ, hiệu trưởng, cho biết để có ngôi trường này là cả một nỗ lực lớn lao của cộng đồng Việt kiều. Để xây lại trường, hội đã phải bán ngôi nhà của hội ở Huế và kêu gọi bà con ủng hộ thêm. Nợ nần đến hai năm sau hội mới trả xong.
Bây giờ trường có mười lớp với hơn 300 học sinh. Chương trình học theo giáo trình của Bộ Giáo dục Lào, nhưng phần tiếng Việt được nâng cao hơn, từ 8-18 tiết mỗi tuần tùy khối lớp. Các học sinh gốc Việt ở đây được học tiếng Việt từ nhỏ ở gia đình, rồi học ở trường mẫu giáo, tiếp đến năm năm tiểu học nên hầu hết đều nói tốt tiếng mẹ đẻ.
Ngoài tám giáo viên người Việt được tăng cường sang theo thỏa thuận của Hội Việt kiều và Sở Giáo dục tỉnh Quảng Trị (trong đó có năm cô giáo dạy ở Trường mẫu giáo Lạc Hồng), còn có một giáo viên đi theo chương trình tăng cường của Bộ Giáo dục.
Gặp các thầy cô giáo ai cũng bảo không có gì phải phàn nàn về việc dạy dỗ, điều kiện sinh hoạt ở đây, duy chỉ thèm sách báo bên nhà, phải lâu lâu mới có.
Trường mẫu giáo Lạc Hồng vừa khánh thành hồi đầu tháng 10/2004. Cũng như hồi xây Trường Thống Nhất, Hội Việt kiều vừa vận động bà con đóng góp, vừa xin hỗ trợ “bên nhà”. Và ngôi trường mẫu giáo dân lập đẹp nhất Savẳn đã hoàn thành với chi phí 44.553 USD. Bác Thuận cười cười: “Còn thiếu nợ gần 8.500 đô nữa, đang tính cách vận động xoay xở đây!”.
(Theo Tuổi Trẻ)