Tất bật lo toan việc gia đình những ngày trước Tết, chị Đinh Phương (29 tuổi, TP HCM) lại vội vã chuẩn bị hành lý cho tour khởi hành từ 29 Tết. Là hướng dẫn viên 8 năm, nhưng chị Phương đã ăn 5 cái Tết xa nhà. Lần này chị đưa đoàn khách người Ấn Độ đi thăm Cần Thơ đến mùng 4 Tết rồi ngay sau đó lại đón một đoàn khác.
Chị Phương chia sẻ đi làm vào dịp Tết sợ nhất là thấy cảnh gia đình đoàn tụ: “Nhìn người ta đi chúc Tết hay vui cùng người thân, bạn bè bận rộn, đứa thì chuẩn bị vé xe, vé tàu, mà khao khát có được cảm giác như vậy”. Lúc đó, chị chỉ ước có thể chạy ra ngoài đường, bắt một chiếc xe đò về thẳng TP HCM để đón giao thừa với mẹ và ngoại.
Cũng nhiều lần chị không muốn nhận tour ngày Tết, nhưng là người Sài Gòn, không phải về quê nên mỗi khi bạn bè nhờ đi giúp để được về sum họp vợ chồng, con cái, chị lại mủi lòng đồng ý. “Ừ thì nghỉ Tết muộn cũng không sao”, chị tự nhủ.
Để rồi khi khoảnh khắc giao thừa đến, gọi điện về cho ngoại và mẹ, nghe tiếng sụt sùi ở đầu dây bên kia lẫn tiếng pháo đì đùng, giọt nước mắt bỗng lăn dài trên má chị. “Lúc đó mình chỉ biết nói con xin lỗi, con thương má và ngoại nhất trên đời”, chị Phương nghẹn ngào nhớ lại cái Tết 4 năm trước ở Rạch Giá (Kiên Giang).
Ngay từ mùng 1 Tết, chị Trương Thị Ngọc Thảo (26 tuổi) đã phải bắt xe từ Nha Trang vào TP HCM để đi tour Nam Du. Dù háo hức đến một điểm du lịch mới dịp đầu năm nhưng chị cũng không khỏi tủi thân vì thời gian bên gia đình, bạn bè và người yêu quá ngắn ngủi. Chị Thảo kể, có lần nhận lịch cận ngày, không kịp về quê, nằm trong phòng trọ nghe tiếng giao thừa rộn ràng khắp nơi, chị lại chạnh lòng bật khóc.
Tuy nhiên khi gặp khách, thấy ai cũng vui vẻ, niềm nở, khoảng trống trong lòng chị như được lấp đầy. Theo chị Thảo, tour ngày Tết vui nhưng cực lắm. Điểm du lịch nào cũng đông nên công việc của hướng dẫn viên nặng nề gấp bội. “Vì đông nên thường xuyên xảy ra kẹt xe trên quốc lộ. “Lịch trình bị lệch giờ, đoàn phải ăn sáng lúc 11h trưa và ăn trưa lúc 4h chiều là chuyện bình thường”, chị Thảo kể nhiều lần còn phải ngủ trên xe vì “cháy” phòng khách sạn.
Căng thẳng là thế nhưng với chị Thảo, tour ngày Tết còn là những kỷ niệm chẳng thể nào quên. Đó là lần chị dẫn đoàn đi Đà Lạt năm 2014. Sau chuỗi ngày dài cùng vui, cùng tham quan và trải nghiệm Tết với du khách, chính Thảo đã không kiềm chế được sự xúc động trong đêm cuối trước khi phải chia tay đoàn, chị bật khóc ngay trên xe. “Vừa mới mở lòng với nhau thì cũng chính là lúc sắp chia tay, bởi thế phải tạm biệt mình thật sự rất nhớ. Nhưng mình cũng rất vui vì mình và đoàn đó đến giờ vẫn còn giữ liên lạc”, chị Thảo nhớ lại.
Không chỉ hướng dẫn viên là phái nữ mới mau nước mắt, anh Nguyễn Nhật Trường (28 tuổi, quê Vĩnh Long) cũng thú nhận từng khóc vào đêm giao thừa đầu tiên xa nhà vì đi tour. Khi đó, Trường là cậu sinh viên mới ra trường và nhận tour Singapore. Dù đã tự trấn an mình rằng theo nghề này sẽ phải vắng nhà vào dịp Tết nhưng anh vẫn cảm thấy rất buồn và cô đơn. “Giao thừa mình gọi điện về cho bố, cả nhà cùng động viên nhau. Cứ nghĩ như thế sẽ vơi bớt nỗi nhớ nhà nhưng nước mắt lại cứ rơi, giá như có thể được ở bên bố mẹ lúc đó”.
Năm nay, dù ở TP HCM nhưng anh Trường vẫn không thể về quê vì hai tour đi Singapore anh nhận dẫn trước và sau Tết chỉ cách nhau một ngày. Đây cũng là cái Tết thứ 4 Trường vắng nhà và với anh bây giờ, niềm vui chính là mang lại những giây phút thoải mái cho du khách.
Tour ngày Tết cũng mang lại cho anh cái duyên không ngờ với một nhóm khách. Đó là một gia đình ở quận 4 anh Trường gặp lần đầu khi dẫn họ đi Thái Lan năm 2014. Sau đó, anh tiếp tục là hướng dẫn viên cho gia đình này trong 3 tour khác nữa. Anh cho biết cảm thấy rất vui vì sự trùng hợp này và coi đó như một động lực để tiếp tục công việc.
Vy An