Chiều 5/5, tại phòng trà Đồng Dao, TP HCM, Khánh Ly có buổi tập dượt cho đêm "Live concert Khánh Ly" (diễn ra tối 9/5 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội). Đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng 1/5, chiều cùng ngày, bà có ngay buổi làm việc cùng đạo diễn, giám đốc âm nhạc, ban nhạc và êkíp thực hiện. Suốt thời gian lưu lại Sài Gòn trước khi bay ra thủ đô, hầu như ngày nào nữ danh ca cũng có bàn bạc, tập luyện nhằm chuẩn bị những gì tốt nhất cho đêm nhạc tái ngộ.
Sự cẩn trọng là không thừa, bởi sau 39 năm, đây là lần đầu tiên Khánh Ly đứng trên sân khấu hát cho khán giả quê nhà. Chương trình âm nhạc này là một trong những chương trình được khán giả chờ đợi trong nhiều năm qua, và được đánh giá là sự kiện lớn của làng âm nhạc trong nước năm 2014. Sau vài lần lỗi hẹn, sô diễn của "tri kỷ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn" đã thành sự thật.
Khánh Ly xuất hiện tại buổi tập chiều 5/5 với phong thái quen thuộc như nhiều người từng tiếp xúc với bà nhận xét: giản dị, vui vẻ, cởi mở, tác phong nhanh nhẹn đồng thời rất chừng mực. Vóc dáng gọn gàng của người chăm tập thể thao cùng việc chọn mặc chiếc sơ mi màu sẫm trang nhã, chiếc quần tây ống túm đơn giản khiến bà trẻ hơn rất nhiều so với tuổi gần 70 (nữ danh ca sinh năm 1945). Giữa một êkíp làm việc toàn người trẻ, bà rất thoải mái, tự tin trao đổi về công việc.
Trong lúc chờ ban nhạc chuẩn bị trên sân khấu, bà rút điếu thuốc lá, loại thuốc lá nhẹ dành cho nữ, thong thả hút. Với nhiều người phụ nữ, quy luật "cái tuổi nó đuổi xuân đi" là không thể cưỡng lại. Với Khánh Ly, dù nếp nhăn hiện hữu ở khuôn mặt ở bà, người ta vẫn thấy rõ dáng dấp của một Lệ Mai của ngày nào, tràn đầy sức sống và hơi có chút khí phách ngang tàng của người sớm biết buồn với cuộc đời.
Khi nghe những tiếng nhạc thử âm thanh trên sân khấu, ánh mắt bà hướng ra khung cửa sổ đầy nắng của phòng trà trong chiều Sài Gòn. Chỉ cách vài bước chân, ngoài khung cửa kia là đường Pasteur, một trong những con đường xưa nhất TP HCM, đang tất bật với dòng xe cộ nườm nượp. Không xa lắm phòng trà này là con đường Lê Duẩn, nơi ngày xưa có trụ sở rạp Norodom, địa điểm mà ở tuổi 11, Khánh Ly một mình đi nhờ xe chở rau từ Đà Lạt về Sài Gòn tham dự cuộc thi tuyển lựa ca sĩ nhi đồng do đài Pháp Á tổ chức. Năm đó, bà đoạt giải nhì với bài hát Ngày trở về của Phạm Duy. Và cũng không xa lắm, cách vài ngã tư với chừng hơn 15 phút đi bộ, là Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân Văn TP HCM, tiền thân là Đại học Văn khoa Sài Gòn, nơi Khánh Ly cùng Trịnh Công Sơn có những buổi hát cho phong trào sinh viên tranh đấu tại quán Văn. Quán Văn ngày ấy dựng lên ở một khu sân hoang của đại học, nơi những ca khúc của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly, lưu dấu trong lòng bao thế hệ người yêu nhạc.
Về chỉ vài ngày, bà đã kịp đi lại những con đường xưa, tìm lại kỷ niệm khi đi ngang qua chỗ quán Văn ngày nào, quán Cây Tre, nhà thờ Đức Bà, hát ở Tòa tổng giám mục, đi nhà sách, thăm mái ấm Mai Tâm - Bình Triệu...
Chính vì giọng hát của nữ danh ca gắn liền với ký ức của một thế hệ, chuyến trở về và hát của bà đón nhận khá nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi nhiều người đến với đêm nhạc như tìm lại chiếc vé trở về hoài niệm, cũng có nhiều người e ngại, ngày tái ngộ họ chỉ có thể tìm vết tích tàn phai của một giọng hát từng được ngưỡng mộ qua sách báo, băng đĩa.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, nhạc sĩ Hoài Sa, giám đốc âm nhạc của chương trình khẳng định, các bản phối của những nhạc phẩm trình bày trong đêm "Live concert Khánh Ly" có phong cách acoustic (mộc) nhằm gợi nhớ hình ảnh nữ hoàng chân đất bên chiếc loa thùng ngày nào in đậm trong ký ức của một thế hệ khán giả. Sự tiết chế còn là để tôn trọng kỷ niệm của người nghe. Và Hoài Sa cũng không quên cẩn thận "nhắc khéo" khán giả: ở tuổi gần 70, người nghe cũng cần chuẩn bị tinh thần với một Khánh Ly không còn được như xưa.
Thế nhưng, nếu ai có mặt trực tiếp ở buổi tập của Khánh Ly sẽ không tránh khỏi cảm giác ngạc nhiên, giọng hát của bà khi cất lên ngay lập tức xua ngay những mối lo xa. Khánh Ly hát sảng khoái, rõ ràng không khác gì với khi người ta nghe bà hát qua băng đĩa nhiều năm nay. Kinh nghiệm sân khấu dày dặn giúp bà xử lý, che khuất được nhược điểm mà tuổi tác mang đến. Bản năng ca hát của người yêu âm nhạc giúp bà có thể lên những nốt cao, hạ những nốt trầm khá ngọt, theo đúng chất của riêng bà, hay theo cách gọi nôm na của nhiều khán giả ái mộ, giọng hát của "nữ hoàng cần sa" vẫn giữ nguyên sức hút.
Trong hơn 2 giờ ráp nhạc, tập song ca cùng 4 nam ca sĩ khách mời là: Tuấn Ngọc, Thái Châu, Quang Thành và Hà Anh Tuấn hoặc khi hát đơn ca, bà đều đắm mình trong từng ca từ. Nhất là với những ca khúc của Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ mà bà khẳng định "là một nửa đời sống của tôi". Bà hát liên tục, chỉ ngừng trong chốc lát để dàn nhạc nghỉ ngơi, để uống nước chanh pha sẵn mang theo hoặc hút điếu thuốc. Bà hát hết sức như thể ngồi phía dưới sân khấu phòng trà đang là những khán giả thực thụ nghe mình hát chứ không phải ở buổi tập nội bộ.
Khi người của ban tổ chức, có lẽ sợ Khánh Ly mệt và muốn bà giữ sức cho đêm diễn chính thức, nhắc khéo bà khi tập chỉ cần "giả bộ" hát thôi, Khánh Ly bật cười, nói: "Tập là phải hát thật chứ không giả bộ nha". Và rồi cứ như thế, bà lại say sưa trình bày các tiết mục. Mỗi khi bà kết thúc một bài tập, vài người ngồi dự khán phía dưới nhiệt tình vỗ tay. Khi đó, Khánh Ly cúi đầu: "Xin cám ơn khán giả".
Không nói ra, nhưng trong cách ứng xử nửa đùa nửa thật của bà pha sự tự tin và tự hào. Giọng hát ấy, dĩ nhiên không phải của một Khánh Ly 16-17 tuổi ngày nào tung tẩy giữa phòng trà ở Đà Lạt mờ sương, hay hút hồn người nghe giữa quán Văn Sài Gòn. Nhưng có một điều chắc chắn: thời gian chưa dám "chạm" mạnh vào chất giọng liêu trai, khàn, sâu, đầy bản năng, đầy cuốn hút của bà.
"Khánh Ly hát rất rõ lời, nói một cách nôm na là Khánh Ly hát rất 'tròn vành đủ chữ', không uốn giọng, không nuốt chữ, hồn nhiên như thể con người đã biết hát trước khi biết nói vậy", lời nhận xét này của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng dành cho Khánh Ly vẫn đúng đến ngày hôm nay (trích sách Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé).
Chương trình tái ngộ khán giả của Khánh Ly lần này chưa có thông tin về buổi diễn ở Sài Gòn, Huế hay Đà Lạt, thay vào đó là Hà Nội. Hà Nội - nơi bà sinh ra, nơi có những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm như món bánh mì paté gan cháy ở phố Hàng Bông, nơi bà tha thẩn ven bờ hồ để rồi những lời nhạc Phạm Duy len vào tâm hồn thơ trẻ, nuôi dưỡng một tình yêu trong trẻo đầu đời với âm nhạc, văn học, thơ ca, nơi bà in khắc ký ức về người cha ruột thân thương....
Để rồi những ký ức ấy mãi mãi là hành trang quý giá đi cùng bà suốt chặng đường dài dâu bể của đời "người đàn bà hát" nhiều nước mắt và nỗi buồn.
Và vì thế, với Hà Nội, sự trở về của Khánh Ly cũng là hợp lẽ.
Thoại Hà