Trong khi những đối thủ giá 3 triệu đồng khác như Zenfone Go hay Galaxy J2 có pin chỉ khoảng 2.000 mAh, Gionee M5 mini sở hữu pin dung lượng tới 4.000 mAh. Nhờ thế cùng mức độ sử dụng, máy có thể hoạt động được 2 đến 3 ngày, gấp đôi thời gian sử dụng trung bình của phần lớn các smartphone Android hiện giờ.
Thử nghiệm bằng công cụ PC Mark nhằm xem video, lướt web và chỉnh sửa ảnh liên tục, kết quả cho thấy pin M5 mini có thể chạy liên tục tới hơn 10 giờ, từ mức pin nạp đầy 100% cho tới khi còn 10%. Trong khi thông thường ở bài test này, kết quả hơn 7 giờ là đủ tốt với một smartphone Android.
Ngoài ưu điểm dài ngày, pin của M5 mini còn có thể sạc cho những smartphone Android khác, thậm chí cả iPhone hay Windows Phone, như một cục pin dự phòng. Dù vậy, để có thể sạc được, người dùng cần có thêm một cáp microUSB OTG, phụ kiện có giá khoảng 50.000 đồng nhưng không được tặng kèm theo máy. Ngoài sạc, M5 mini còn có thể dùng cáp và đầu chuyển USB OTG để lấy ảnh từ iPhone hay smartphone khác trực tiếp, không cần chuyển qua máy tính, thẻ nhớ hay kết nối không dây như Bluetooth...
Dù vậy, pin lớn và lâu cũng kéo theo nhược điểm sạc pin chậm. Củ sạc kèm máy đã được nâng dòng điện ra lên 2A - 5,2V, nhưng thời gian dùng nó để nạp đầy hoàn toàn cho pin 4.000 mAh vẫn mất tới 3 giờ.
Nếu phải so với một số model pin "khủng" giá rẻ khác của Lenovo hay Philips, kiểu dáng Gionee M5 mini có nét hiện đại hơn. Vì vỏ rời nhưng mặt lưng làm từ kim loại cho cảm giác cầm cứng và chắc chắn, trông không khác thiết kế nguyên khối. Mặt kính phía trước được miết cong kiểu thiết kế 2,5D với viền đen màn hình được giấu đi, tạo cảm giác điện thoại có thiết kế màn hình tràn viền. Máy có hai lựa chọn màu sắc, ghi bạc và vàng, đi kèm khung viền giả kim loại với vân xước.
Điểm đáng cân nhắc ở Gionee là cảm giác cầm rất nặng so với những smartphone cùng cỡ màn hình 5 inch. Máy không quá dày (9,6 mm) nhưng trọng lượng thì hơn hẳn các smartphone 5 inch khác. M5 mini nặng tới gần 190 gram, ngang với các phablet vỏ kim loại như iPhone 6 Plus hay 6s Plus và thậm chí còn nặng hơn cả Galaxy Note 5. Dẫu vậy, nếu phải so sánh với việc cầm thêm một viên pin dự phòng nữa, chỉ cầm mỗi M5 mini vẫn tiện hơn.
Không nổi trội như pin, nhưng Gionee M5 mini sở hữu một màn hình đủ dùng với kích thước 5 inch và độ phân giải HD 720p, có chất lượng hiển thị tốt hơn Galaxy J2 của Samsung hay Neo 5 của Oppo. Tấm nền IPS đem lại hình ảnh hiển thị nét, góc nhìn ổn và màu sắc khá trung thực, cảm ứng nhạy. Dãy phím cảm ứng cũng được tách riêng khỏi màn hình nên phần hiển thị không bị ảnh hưởng. Điểm không thích ở M5 mini là màn hình bị bóng khá nhiều và hơi khó nhìn khi ngoài trời, nơi nhiều đèn sáng.
Ảnh thiết kế và mở hộp Gionee M5 mini
Smartphone pin "khủng" của Gionee có cấu hình khá với mức giá 3 triệu đồng. Máy được trang bị cấu hình giống Zenfone Go của Asus và nhỉnh hơn những model cùng tầm như Galaxy J2 của Samsung, MV1 của Obi hay Moto G khi có RAM 2GB và bộ nhớ trong 16GB, dư dả để cài đặt thêm ứng dụng trò chơi.
So với đối thủ Android trực tiếp có pin lớn, Vibe P1m của Lenovo, Gionee M5 mini vẫn có chút lợi thế ở tốc độ xử lý của chip 4 nhân cao hơn với xung nhịp 1,3 GHz thay vì 1 GHz. Nhưng model của Gionee vẫn để lại chút tiếc nuối khi hỗ trợ 2 sim với chỉ kết nối 3G HSPA, chưa tới chuẩn 4G LTE.
Tính năng trên M5 mini không ấn tượng vì thực tế đây chỉ là một model giá rẻ. Gionee thêm một số tiện ích cảm biến thông minh như lật máy để tắt chuông, chạm 2 lần để mở màn hình, hay chia sẻ qua giao tiếp HotKnox (smartphone dùng chip MediaTek). Nhưng giao diện mới tạo ra khác biệt cho Gionee M5 mini so với những mẫu Android khác.
Phiên bản 5.1 Lollipop được tuỳ biến và mang tên Amigo, loại bỏ khay quản lý ứng dụng đặc trưng của Android. Thanh quản lý cài đặt nhanh gồm Wi-Fi, Bluetooth, độ sáng màn hình xuất hiện khi vuốt tay từ cạnh dưới màn hình lên, giống iOS trên iPhone. Trong khi vuốt từ cạnh trên xuống chỉ ra khu vực quản lý thông báo.
So với Android thông thường, thiết kế giao diện này cho thao tác nhanh hơn đôi chút. Tuy nhiên, giao diện của Gionee M5 mini chạy chưa mượt, có hiện tượng giật sau khi dùng máy một thời gian hoặc khi vuốt qua lại giữa các màn hình ứng dụng. Dung lượng RAM hoạt động của máy thường ở mức 1,1 đến 1,2GB trong tổng số 2GB.
Camera cũng có thông số tốt, tính năng phong phú nhưng chất lượng chưa tương xứng, không khác biệt nhiều các smartphone tầm giá 3 triệu đồng. Hạn chế dễ nhận thấy nhất là dải tương phản thấp, ảnh dễ cháy sáng và cũng mất nhiều chi tiết ở vùng tối khi chụp phong cảnh, ngoài trời.
Bù lại, Gionee trang bị nhiều tính năng chụp hình mở rộng hơn các model Android tầm 3 triệu khác đang có trên thị trường, như chụp HDR, Panorama hay chế độ làm đẹp chân dung tự động hay nhận diện văn bản. M5 mini có khả năng lấy nét khá tốt, dễ bắt nét khi chụp cận cảnh. Thậm chí, Gionee còn trang bị cho model giá rẻ của tính năng lấy nét và đo sáng thủ công, giống như trên iPhone. Với người quen chụp hình, điều này phần nào hạn chế việc ảnh bị cháy sáng hoặc quá tối.
Cấu hình, tính năng hay chất lượng camera ổn trong mức giá 3 triệu đồng. Thực tế, pin vẫn là trang bị đáng giá nhất của Gionee M5 mini so với những mẫu Android phổ thông khác. Ở tầm giá này trên kệ hàng chính hãng, giờ không có nhiều lựa chọn smartphone pin "khủng" và còn có thể kiêm luôn chức năng của pin dự phòng.
So sánh thông số kỹ thuật loạt smartphone 3 triệu đồng cùng tầm với Gionee M5 mini: