Trao đổi với VnExpress, ông Phùng Đăng Hải, Chủ tịch Liên hiệp cho hay, phương án trợ giá đã được Sở Tài chính và Giao thông công chính phối hợp trình UBND TP HCM xem xét. "Có thể trong tháng 3 sẽ có quyết định trợ giá thêm hay không cho hoạt động xe buýt, khả năng giá vé tháng cũng sẽ tăng chút ít", ông Hải dự đoán.
Như vậy, trước mắt ngành xe buýt thành phố vẫn phải tự gánh vác các chi phí cộng thêm do giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, khả năng thành phố sắp bù trượt giá chi phí đã giúp xoa dịu nguy cơ đình công.
Song theo nhiều xã viên, việc kéo dài thời gian tự bù giá nhiên liệu như hiện nay là vô cùng khó khăn. Hiện số xã viên đã trả xe, hủy tuyến sau khi xăng dầu điều chỉnh giá, vẫn chưa thay đổi quyết định. Không có trường hợp nghỉ thêm.
Xe buýt thành phố tiếp tục gồng mình chờ trợ giá. Ảnh: Kiên Cường |
Chiều qua, Sở Giao thông công chính cũng tổ chức họp khẩn để bàn cách "cứu" xe buýt. Tuy nhiên biện pháp đưa ra chỉ là: trước mắt tiếp tục "xoay xở, tự thân vận động", cố gắng duy trì hoạt động trong khi chờ thành phố xem xét mức trượt giá mới.
Sở Giao thông công chính cũng đã đưa ra đề án tính đơn giá vận chuyển hành khách mới để trình UBND TP HCM. Tuy nhiên đề án phải được trưng cầu ý kiến rộng rãi để điều chỉnh cho hợp lý.
Chỉ một tuần sau khi giá xăng dầu tăng, đã có 12 xã viên Hợp tác xã xe buýt xin tạm ngừng hoạt động vì không có khả năng xoay vòng vốn bù vào trượt giá. Chi phí cho các phụ tùng vật tư cũng tăng theo xăng như một bộ xăm lốp đã vọt từ 6 triệu lên thành 7 triệu đồng. Chi phí sửa chữa, bảo trì cũng thay đổi khiến hàng loạt doanh nghiệp vất vả "chèo chống" đủ mọi cách để tồn tại.
TP HCM có 3.200 xe buýt, tổng số cự ly tuyến công cộng khoảng 3.470 km với hơn 15.000 lượt xe mỗi ngày, việc tăng giá nhiên liệu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của phương tiện vận tải công cộng duy nhất thành phố.
Kiên Cường