Ngày 26/10, hàng trăm tên tuổi trong giới văn chương tụ hội, kỷ niệm 75 năm phát hành số đầu tiên của báo. Ấn phẩm ra đời tại xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, thời kháng chiến chống Pháp.
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Khuất Quang Thụy dẫn lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25 năm trước. Ở lễ kỷ niệm 50 năm tuổi của báo, Đại tướng cho biết đọc Văn nghệ số đầu tại núi rừng Việt Bắc, sau cuộc tiến công lớn của quân Pháp vào căn cứ địa. Tờ báo ra đời sau ngày Toàn quốc kháng chiến hơn một năm, thể hiện quyết tâm của văn nghệ sĩ đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trên tờ báo in bằng giấy giang, Đại tướng đã đọc bài thơ Cá nước của Tố Hữu, bản nhạc Sông Lô của Văn Cao, truyện ngắn Làng của Kim Lân, bài Nhận đường của Nguyễn Đình Thi. Số báo đầu tiên còn in bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, chú thích sáng tác ở Phù Lưu Chanh (1948), bên cạnh bài Viếng bạn của Hoàng Lộc, Nhớ máu của Trần Mai Ninh.
Nhà văn Khuất Quang Thụy điểm lại nhiều dấu mốc, từ những cuộc thi truyện ngắn đầu tiên năm 1958, nơi phát hiện ra các tên tuổi như Anh Đức, Vũ Thị Thường, Nguyễn Khải, Chu Văn; cuộc thi thơ năm 1960, với sự xuất hiện của Thái Giang, Lê Anh Xuân, Giang Nam. Từ đó về sau, các cuộc thi văn chương trên báo Văn nghệ trở thành truyền thống, thương hiệu.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều nhà thơ, nhà văn đã xung phong ra chiến trường, trong đó có Phạm Tiến Duật. Ông Thụy nói hình ảnh Phạm Tiến Duyệt đi về giữa tòa soạn và mặt trận điển hình cho những người lính, văn nghệ sĩ.
Vào thời kỳ kháng chiến sục sôi, tờ Văn nghệ Giải phóng ra đời, trụ sở tại 43 đường Đồng Khởi (TP HCM). Sau khi đất nước thống nhất, tờ Văn nghệ Giải phóng trở thành văn phòng đại diện của báo.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhớ những năm 1980, khi ông và nhiều du học sinh tu nghiệp ở Nga, nhiệm vụ quan trọng của người thân lúc ấy là mua báo Văn nghệ, gửi sang nước ngoài. "Khi nhận được, tôi thức xuyên đêm để đọc. Trong hành lý của các du học sinh về nước, tài sản quý nhất thời bấy giờ là hàng chồng báo Văn nghệ".
Các lãnh đạo, nhà văn khẳng định giá trị, sức sống lâu bền của tờ báo. Trong thư chúc mừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Văn nghệ là một trong những địa chỉ tiêu biểu của nền báo chí cách mạng nước nhà, luôn luôn đồng hành với những chặng đường vẻ vang của dân tộc, góp phần hoàn thành trọng trách của báo chí cách mạng.
Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng báo chứa đựng ý chí, tinh thần, khát vọng của các nhà văn, cũng là của nhiều người Việt Nam. "Dù tờ báo đã thay đổi theo từng giai đoạn, có một điều không thay đổi là lương tri của các nhà văn", ông nói.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nói: "Biết bao thế hệ đã lớn lên với những bài thơ, trang văn, bài báo của Báo Văn nghệ. Bởi thế, tôi mong muốn lãnh đạo báo hôm nay phải làm thế nào để số hóa những tờ Báo Văn nghệ ngày xưa, hãy cho bài thơ, trang văn, bài báo bất hủ tỏa sáng trên không gian số".
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, ban biên tập báo đồng thời ra mắt trang Văn nghệ và Văn nghệ trẻ điện tử.
Báo Văn nghệ ra mắt tháng 3/1948, là cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam. Người phụ trách đầu tiên là nhà thơ Tố Hữu, ban biên tập gồm Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, sau có Nam Cao. Qua 75 năm, báo từng có nhiều người phụ trách nội dung (được gọi với chức danh tổng biên tập, chủ nhiệm hoặc thư ký tòa soạn), như Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Giang Nam, Hữu Thỉnh. Hiện nhà văn Khuất Quang Thụy giữ chức tổng biên tập.
Hà Thu