Trên một khoảng sân gạch, hàng chục hộp phun sơn cùng một số đồ để vẽ như viết chì, thước dây... được bày ra. Các thành viên trong nhóm vẽ mũ bảo hiểm đang chăm chú đo, vẽ, trao đổi ý tưởng để phối hợp màu sắc. Không khó khăn để vẽ những hình thù ngộ nghĩnh, hoặc những bông hoa, cành lá lên mũ nhưng vẽ graffiti cần phải có một sự tỉ mẩn, bởi khi đã vẽ khó có thể tẩy xóa được.
Dân vẽ graffiti dù là "nghiệp dư" hay dân mỹ thuật, kiến trúc được đào tạo bài bản đều có thể tìm thấy đất vẽ bởi sự đơn giản và phóng khoáng của bộ môn nghệ thuật này.
Nhóm vẽ mũ bảo hiểm mới xuất hiện ở Hà Nội từ tháng 7, nhưng đã thu hút khá đông bạn trẻ. Nhiều bạn đến vẽ những con vật ngộ nghĩnh hoặc có bạn thích vẽ cả một bức tranh lên mũ.
Nhóm vẽ có 10 sinh viên, nhưng chỉ có 4 người vẽ chính. Các bạn đến từ các trường đại học, cao đẳng mỹ thuật, có bạn học ĐH Khoa học xã hội và nhân văn nhưng cùng niềm đam mê môn nghệ thuật graffiti tụ hội về.
Khánh Linh, cô sinh viên khoa Sử, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đang lúi húi chỉnh sửa những đường nét cuối cùng trên chiếc mũ bảo hiểm, vừa nhanh nhảu kể: "Em từng làm đề tài nghiên cứu khoa học về loại hình nghệ thuật này nên những lúc rảnh thường đi xem các bạn ĐH Mỹ thuật vẽ, rồi kết thân thành nhóm".
![]() |
Chiếc mũ trở nên ấn tượng hơn sau khi được vẽ Graffiti. Ảnh: Anh Tuấn |
Ý tưởng vẽ tranh trên mũ bảo hiểm không phải của những cô cậu mê graffiti này mà của TS Vũ Thế Long, Trung tâm hỗ trợ phát triển các chương trình xã hội.
Tình cờ, một lần sang Thụy Sĩ, ông thấy giới trẻ rất chuộng hình thức vẽ graffiti lên mũ bảo hiểm. Thế là một nhóm các thành viên được thành lập nhằm mục đích tuyên truyền, khuyến khích, tạo niềm hứng khởi cho giới trẻ mỗi khi đội mũ bảo hiểm.
Sơn, một thành viên trong nhóm cho biết: “Xưa nay, giới trẻ rất ghét đội mũ bảo hiểm vì trông thô kệch, nóng bức. Chúng em hy vọng tạo những chiếc mũ độc đáo, ngộ nghĩnh khiến các bạn trẻ có thái độ khác. Giới trẻ rất thích trang trí lên xe, điện thoại, lap top... hy vọng các bạn trẻ cũng thích những tác phẩm ngộ nghĩnh đội trên đầu”.
Những chiếc mũ đã được "nâng cấp" đều là những mẫu vẽ liên quan đến chủ đề về an toàn giao thông, môi trường, lịch sử, văn hóa... nhưng lại được thể hiện một cách sống động, với những suy nghĩ rất thú vị của lớp trẻ.
![]() |
TS Vũ Thế Long bên tác phẩm (phải) của học trò. Ảnh: Anh Tuấn |
Để vẽ một chiếc mũ bảo hiểm tốn khá nhiều thời gian, khoảng 2 tiếng, tùy theo độ phức tạp của mẫu vẽ. Người vẽ rất tỉ mẩn, chau chuốt cho từng tác phẩm của mình, bởi mỗi một tác phẩm đều chứa đựng những thông điệp khác nhau.
Các mẫu vẽ phong phú, đa dạng, màu sắc tùy vào sở thích và cá tính của người đặt vẽ. Có những chiếc rất đơn giản nhưng nữ tính, dễ thương. Các bạn trai thường thích vẽ hầm hố, ấn tượng.
TS Vũ Thế Long cho biết: "Thông qua dự án này, tôi muốn tạo ra một sân chơi cho thanh thiếu niên, để các bạn xoá bỏ dần tâm lý ngại đội mũ bảo hiểm".
Ông còn ấp ủ một dự định, vào năm học mới, ngoài những hoạt động tuyên truyền, quảng bá bằng các cuộc diễu hành trên đường phố bởi các đoàn sinh viên đi xe máy đội mũ bảo hiểm với đầy đủ màu sắc, kết hợp với băng rôn để tạo ra một cuộc cổ động sôi nổi trong giới trẻ, ông sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc thi thiết kế trên mũ bảo hiểm, sưu tập kiểu dáng và trang trí trên mũ ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Ông mong muốn không chỉ vẽ graffiti lên mũ mà còn đưa loại hình trang trí bằng cách cắt dán những hình thù, hoa lá, chim muông vào một số trường tiểu học, mẫu giáo tạo thành một thế giới ngộ nghĩnh và màu sắc cho các cháu.
Anh Thư - Tuấn Anh