Spinner là Fidget (đồ chơi nghịch trên tay) du nhập vào Việt Nam khoảng cuối năm 2016, ban đầu lan truyền trong giới trẻ đặc biệt là cộng đồng những người hút vape - một dạng thuốc lá điện tử. Dần dần, theo trào lưu và sự bùng nổ tại Mỹ khiến nhu cầu sản xuất spinner tại Trung Quốc tăng cao. Mặt hàng này cũng dần được nhập về bán tại Việt Nam.
Hiện nay, hầu hết các spinner phổ biến trên thế giới đều có thể mua tại Việt Nam hoặc có ngay sau vài tuần đặt hàng từ Trung Quốc. Chất liệu cũng khá đa dạng từ nhựa, kim loại, hợp kim cho tới bằng titanium. Giá cả cũng theo đó dao động từ vài chục cho tới cả triệu đồng mỗi chiếc. Ngoài giá cả, spinner cũng có thể phân chia ra từng nhóm thông qua thời gian quay. Hàng chất lượng thấp, giá rẻ thường có thời gian quay trên tay trên dưới 1 phút, hàng tầm trung có thời gian quay từ 3 đến 4 phút còn các loại cao cấp với vòng bi được gia công tinh xảo có thể quay trên 5 phút.
Người mua có thể tìm tại các shop bán lẻ, hoặc đặt online trên các trang bán hàng trực tuyến như Lazada, Shopee... hay các "thương nhân" trên Facebook. Tuy nhiên, cũng chính vì quá phổ biến nên không phải lúc nào người mua cũng có thể sở hữu được đúng món đồ ưa thích ngay trong lần đầu. Nhiều người cho biết sản phẩm thực tế khi mua online thường bị sai khác về kích cỡ, màu sắc và chất lượng không giống như quảng cáo. Thậm chí có spinner quay chưa tới 5 giây đã ngừng. Bên cạnh đó, vòng bi của spinner giá rẻ cũng rất dễ bị hoen gỉ sau thời gian ngắn sử dụng.
Thành viên có nickname An Dân chia sẻ trên một group về spinner rằng thiết bị mà anh vừa mua có giá 1 triệu đồng, chất liệu bằng đồng, nhưng sau một lần rơi đã bị móp méo và không còn hoạt động tốt. "Tôi đã mua spinner bằng đồng giá một triệu, quay rất lâu, nhưng rơi cái thì bị móp và trầy xước dù rớt nhẹ. Người ta nói đồ xịn và đắt tiền thường khó hỏng mà giờ nó hỏng rồi", anh nói.
Spinner tự chế của một người chơi Việt. Nguồn: Spinner Việt Nam
Một số loại spinner đang được người mua ưa thích hiện nay dựa trên các chủ đề như UFO, siêu anh hùng, loại gắn bảo thạch... Với cấu tạo đơn giản với bộ phận chính là trục bi, nhiều người đã có thể tự chế ra những chiếc spinner của riêng mình. Hyperstone là thương hiệu spinner do người Việt sản xuất, có thiết kế tinh xảo với giá bán khoảng 2 triệu đồng. Sản phẩm này đã dần có tiếng trong cộng đồng chơi spinner quốc tế, tới mức đã xuất hiện cả website giả mạo ăn theo.
Trên Facebook, nhiều nhóm chơi spinner có tới cả chục nghìn thành viên. Tại đây, họ chia sẻ cho nhau về các bức ảnh, video quay cảnh chơi cũng như giới thiệu những chiếc spinner do mình tự chế tạo. Đây cũng là nơi buôn bán quảng cáo hàng của nhiều người kinh doanh thiết bị này từ bán buôn cho tới bán lẻ.
Thùy Dung, mới tham gia vào việc kinh doanh đồ chơi này tại TP HCM cho biết chị nhập sản phẩm giá rẻ từ một đại lý để về bán, với giá chênh lệch từ 10.000 đến 20.000 đồng mỗi chiếc. Khách hàng chính là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, cho biết do ngày càng có nhiều người cùng kinh doanh nên chị phải giảm giá nhiều để thu hút người mua.
Mẫu spinner tạo hiệu ứng hình ảnh đẹp khi quay. Nguồn: Spinner Việt Nam
Không chỉ gây tò mò với người lớn, giờ đây spinner cũng đã trở thành trào lưu của các em nhỏ, học sinh cấp 1, cấp 2. Những chiếc spinner bằng nhựa hoặc kim loại rẻ tiền được bày bán nhiều tại các quầy hàng gần trường học.
"Con mình được cô giáo cho một cái spinner. Mình thấy ngộ, mượn chơi thử thì thấy thích lắm. Có cảm giác đỡ buồn tay. Cũng vui vì hai mẹ con giờ thích chung một đồ chơi", độc giả Thao Nguyen chia sẻ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng thích hợp với món đồ chơi này.
Mặc dù được quảng cáo là thứ có thể giúp người chơi tập trung, kích thích học tập nhưng trên thực tế, hiệu quả của nó có phần ngược lại. Đặc biệt với trẻ em khi chúng mang lại khả năng tập trung tuyệt đối nhưng lại là sự tập trung vào việc nhìn những vòng quay của chiếc spinner hàng giờ liên tục, bỏ quên mọi chuyện xung quanh.
Tại Mỹ, nơi trào lưu chơi spinner đang bùng nổ mạnh mẽ, nhiều trường học đã ra lệnh cấm học sinh chơi và thuyết phục thêm sự đồng thuận từ phía phụ huynh. Lý do đưa ra là spinner khiến trẻ phân tâm vào việc học cũng như các hoạt động thể chất bên ngoài. Có những trường, mỗi học sinh đều có một chiếc spinner và khi tất cả cùng xoay vào giờ ra chơi, nó tạo nên một chuỗi âm thanh ồn ào không dứt.
Chế spinner từ iPhone 7
Rex Huppke của tờ Chicago Tribune cho biết con trai anh có tới 73 cái spinner và vẫn không ngừng sưu tập thêm. "Con tôi có thể nói về đồ chơi này một cách cuồng nhiệt. Đôi khi nó cũng đập vỡ một số chiếc spinner khi căng thẳng, rồi lại cảm thấy đau khổ vì chúng. Nó thường xuyên học các mẹo chơi mới rồi bắt tôi xem biểu diễn. Thậm chí còn yêu cầu tôi đưa điện thoại để xem một video hướng dẫn các thủ thuật trên mạng. Video đó đã đạt tới 19 triệu lượt xem", anh nói.
Các chuyên gia có nhiều quan điểm trái ngược nhau, tuy nhiên vẫn đồng ý rằng với những trẻ bị tự kỷ, ADHD (bệnh thiếu chú ý hoặc quá hiếu động)... thì spinner vẫn là một đồ chơi hữu ích.