So với các hoạt động cần trang phục chỉn chu và chi phí cao như cắm trại hay leo núi, đào rau dại (loại có thể ăn được) gần như không tốn kém. Người tham gia chỉ cần đến các công viên, vùng ngoại ô mang theo túi nilon, kéo hoặc xẻng nhỏ để đào bới. Tổng chi phí mua dụng cụ khoảng 5 tệ (18.000 đồng). Khi mệt, họ có thể dựng bàn ghế di động, pha cà phê, thưởng thức hương thơm của cỏ cây.
Ngoài việc tận hưởng thiên nhiên, nhiều người xem đây là cơ hội để được ăn rau sạch với giá hời. Chẳng hạn, rau dương xỉ mọc nhiều trên núi nhưng được bán trên sàn thương mại điện tử với giá 27,8 tệ một túi 0,5 kg (94.000 đồng), rau diếp mọc hoang cũng không rẻ, khoảng 45 tệ (150.000 đồng) cho 0,5 kg trên Dingdong Maicai.

Một số loại rau dại có thể ăn, được người trẻ hái ở các vùng ngoại ô Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: 163.com
Vừa tiết kiệm trong khi có thêm trải nghiệm, xu hướng này nhanh chóng bùng nổ trên mạng xã hội. Trên mạng xã hội Xiaohongshu, từ khóa "Thượng Hải đào rau dại" thu hút hơn 30.000 bài đăng. Nhiều blogger cũng chia sẻ bí kíp đào rau và lập nhóm riêng để trao đổi địa điểm "săn" rau dại lý tưởng. Thậm chí, một số dịch vụ "đào rau dại có trả phí" cũng xuất hiện với giá 98-198 nhân dân tệ.
Liya từng không thích đồng ruộng nhưng nay cũng tham gia "săn" rau. Khi trải nghiệm, cô nhận ra hòa mình vào thiên nhiên thú vị hơn nhiều so với thú vui ảo trên mạng xã hội. "Nếu biết trước có ngày sẽ đi đào rau, tôi đã mua đôi giày rẻ tiền", cô nói.
Trong khi đó, một cô gái tên Jo cảm thấy bình yên chỉ với một chiếc kéo, giỏ rau và vài túi nilon. "Vừa vui, vừa có rau sạch mang về", cô nói.
Ruixue, một nhà thiết kế ở Hàng Châu, nói đào rau dại giúp giải tỏa căng thẳng. Từ người yêu thích cuộc sống thành thị, cô tìm thấy niềm vui khi về vùng ngoại ô, hái dương xỉ, rau tía tô và nhớ lại những ngày thơ ấu lên rừng đào rau, hái nấm.

Một người trẻ ở Trung Quốc chia sẻ ảnh đi dã ngoại trên rừng và số rau dại đào được đầu năm 2025 lên mạng xã hội. Ảnh: 163.com
Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng. Liya cảm thấy mệt khi phải ngồi xổm, đào bới và làm sạch rau suốt nhiều giờ. "Số rau tôi đào được chưa đến 20 tệ nhưng lại tốn 200 tệ tiền massage lưng", cô nói.
Trào lưu này cũng gặp không ít trở ngại. Khi nhiều người tham gia, vấn đề "tranh giành tài nguyên" và bị một số nông dân xem là hái trộm rau khiến họ khó xử.
A Le và Crush, hai bạn trẻ hưởng ứng trào lưu từ sớm, từng thất vọng khi đến một rừng tre chật kín người đào măng. "Ở Thượng Hải chỉ có vài điểm hái rau dại nên chuyện đụng mặt nhau hay bị người khác hái hết trước là khó tránh", A Le nói.
Ruixue từng bị nhắc nhở khi hái rau dại trên rừng vì lo ngại cô hái nhầm rau do người dân địa phương trồng.
Dù gặp khó khăn, giới trẻ không nản lòng. Với họ, đào rau dại không chỉ là thú vui mà còn là cách gắn kết bạn bè, gia đình.
Sau nhiều lần thất vọng với những thú vui ảo, Liya tìm thấy niềm vui thực sự khi cùng bố mẹ đào rau dại. "Tôi không còn tìm cách trốn chạy mà muốn hòa mình vào cuộc sống, kết nối với những người thân yêu", cô nói.
Minh Phương (Theo 163.com, News.QQ)