Trong một cuộc thi về Rap, nhiều thí sinh có cách xử lý sáng tạo khi kết hợp phong cách nghệ thuật truyền thống với thể loại âm nhạc hình thành từ đường phố phương Tây. Những bài vè, đồng dao, điệu nói thơ Bạc Liêu,... được đưa vào trong lời hát; nhạc cụ truyền thống như tiếng khèn, đàn nguyệt... cũng trở thành một phần bản phối.
Từ một loại hình nghệ thuật có phần kén người nghe, nhạc Rap đã trở thành một nét nghệ thuật đại chúng hơn, có tính thường thức cao hơn và mang màu sắc đặc trưng. Đó chính là hiệu ứng của việc tận dụng sức mạnh của công nghệ nhằm đưa chất liệu truyền thống vào trong bản phối hiện đại.
Ở lĩnh vực hội họa, hình ảnh của những tác phẩm nghệ thuật mang phong cách hội họa truyền thống ngày một xuất hiện nhiều hơn trong cộng đồng trẻ. Thông qua các thiết bị di động như smartphone, tablet... nhiều họa sĩ trẻ đã thổi hồn dân tộc vào trong các tác phẩm của mình.
Nổi bật có họa sĩ Thái Linh - người sáng tạo ra những tác phẩm digital art ấn tượng và thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Anh là một họa sĩ tự do, sinh ra ở Hà Nội, thường sáng tác trên chất liệu digital và canvas.
Các tác phẩm sử dụng nhiều hình ảnh chủ đạo quen thuộc với người Việt Nam như áo tứ thân, nón lá, nghệ thuật tuồng... cùng nét vẽ hoạt họa tạo ấn tượng thị giác. Ngoài ra, Thái Linh còn lấy cảm hứng từ những trải nghiệm thực tế trong quá khứ, từ đó sáng tạo và đưa phong cách cá nhân để hình thành nên các tác phẩm. Như khi nói về Tết, anh dùng cây đào, quất, khay mứt, bánh chưng, dưa hấu... Mọi sự vật dưới nét vẽ của nam họa sĩ đều có tâm hồn, được nhân cách hóa và biết biểu đạt cảm xúc, dù là bình hoa hay tủ bán nước tự động.
Các xu hướng kể trên không quá lạ lẫm trong bối cảnh của thời đại số, khi việc tiếp cận thông tin và giao lưu xuyên biên giới trở nên dễ dàng, tạo điều kiện cho văn hóa giao thoa, trong đó có nghệ thuật.
Hiện nay, những loại hình nghệ thuật văn hóa độc đáo từ nước ngoài đã trở nên phổ biến với người Việt, đặc biệt là GenZ - thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ số, toàn cầu hóa. Với sự phát triển của kỷ nguyên số, GenZ tiếp cận dễ dàng hơn với các giá trị nghệ thuật văn hóa truyền thống đa lĩnh vực, từ hội họa, kiến trúc, trang phục, văn học cho tới âm nhạc, kịch nghệ...
Từ yêu thích cho đến tìm hiểu, tiếp thu và "địa phương hóa" bằng lối suy nghĩ vượt qua khuôn chuẩn, họ hình thành nên những cộng đồng có chung đam mê với một giá trị văn hóa cụ thể như hiphop, cosplay, xăm hình, fan hâm mộ KPop...
Những cộng đồng này được gọi là "tiểu văn hóa" (subculture), được phân biệt với văn hóa đại chúng bởi sự thu hút của chúng chỉ dành cho một nhóm nhỏ bạn trẻ. Mặc dù số lượng thành viên nhỏ bé nhưng tầm ảnh hưởng của các cộng đồng này ngày càng lan rộng.
Việc GenZ yêu thích, ngưỡng mộ những giá trị nghệ thuật truyền thống và tận dụng công nghệ để lan tỏa nó là một tín hiệu đáng mừng. Theo một số chuyên gia, cần tìm cách để những dấu hiệu tích cực này không chỉ còn dừng lại ở câu chuyện phong trào hay tồn tại trong những cộng đồng nhỏ lẻ. Điều quan trọng hơn là cần biến nó trở thành nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ.
Lê Minh