Thứ ba, 17/12/2024
Thứ tư, 8/10/2014, 21:18 (GMT+7)

Giới trẻ săn hình 'trăng máu'

Nguyệt thực toàn phần bắt đầu lúc 17h25 ngày 8/10, đạt cực đại lúc 17h54. Nhiều người tập trung tại những điểm cao hoặc rộng, thoáng để chiêm ngưỡng hiện tượng này.

Theo tính toán, nguyệt thực toàn phần bắt đầu lúc 17h25 và toàn bộ mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Hiện tượng đạt cực đại vào lúc 17h54, cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ rõ ràng nhất.

Rất đông người yêu thiên văn đã không bỏ lỡ cơ hội này để ngắm "trăng máu". Ngoài khu vực Mỹ Đình và cầu Long Biên, nhiều bạn chọn khu vực tầng thượng của các tòa nhà để chọn vị trí đặt kính thiên văn cùng ngắm hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này. Ảnh: Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội

Người xem tiếp tục quan sát được nguyệt thực toàn phần cho đến 18h24. Sau đó Mặt trăng sẽ dần ra khỏi vùng tối, màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 19h34 và kết thúc nguyệt thực một phần.
Bạn Hoa rất hứng thú với các hiện tượng thiên văn như thế này và hy vọng đây là cơ hội để học hỏi thêm về hiện tượng "trăng máu" khi tới quan sát mặt trăng tại khu vực sân vận động Mỹ Đình.

Đúng như dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn Trung ương, thời tiết miền Bắc tối nay rất thuận lợi trong việc chiêm ngưỡng được hiện tượng trên. Mặt trăng đang đi dần ra khỏi vùng tối. Ảnh: Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội.

Nguyệt thực diễn ra ở Đà Nẵng. Ảnh do độc giả Trần Văn Thành cung cấp.

Bạn Trương Ngọc Khánh, Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư Hà Nội, cho biết tại điểm quan sát ở cầu Long Biên, có khoảng 70 bạn trẻ tụ tập cùng quan sát mặt trăng. Họ đợi trên cầu từ lúc 5h chiều.

Đi ngang qua khu vực các bạn trẻ đang quan sát mặt trăng ở Mỹ Đình, anh Tùng xin được xem thử qua ống kính thiên văn và tỏ ra rất thích thú khi lần đầu tiên được nhìn rõ mặt trăng như vậy.

Các bạn trẻ còn dùng máy ảnh chụp trực tiếp từ ống kính thiên văn để thấy mặt trăng to hơn.

Anh Vũ Thế Hoàng, hội phó Hội thiên văn Hà Nội, đang trình bày và giải thích cho các bạn đến xem hiểu rõ hơn về hiện tượng "trăng máu".

Bé Bùi Mạnh Quân, 6 tuổi, được mẹ đưa ra xem vì biết những người yêu thích thiên văn sẽ tập trung ngắm "trăng máu" ở Mỹ Đình.

Vũ Thu Hương, sinh viên năm 2 Đại học Quốc gia, từng có ý định tự làm kính thiên văn để xem khi còn ở quê.

Mặt trăng đã dần trở lại bình thường. Theo bạn Đặng Tuấn Duy, Hội thiên văn nghiệp dư TP HCM, thời tiết ở khu vực phía Nam không thuận lợi để quan sát hiện tượng trăng máu dù những người yêu thích thiên văn tập trung khá đông.

Nhiều bạn trẻ vẫn say xưa ngắm trăng khi hiện tượng trăng máu sắp kết thúc.

Giang Huy