Báo cáo Xu hướng đám cưới năm 2025 của The Knot, nền tảng chuyên lập kế hoạch đám cưới, cho thấy đa số Gen Z đều xếp hôn nhân là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên độ tuổi kết hôn của nhóm này muộn hơn.
Đặc biệt những người sinh từ năm 1990 đến 2000 đang đối mặt với nhiều rào cản kinh tế hơn các thế hệ trước ở cùng độ tuổi, đặc biệt là tỷ lệ nợ tiêu dùng cao kỷ lục. Áp lực tài chính đã khiến nhiều người trẻ thay đổi tư duy về việc tổ chức đám cưới và kết hôn. Thay vì cưới khi đến tuổi, họ sẽ trì hoãn đến khi trả hết nợ.
Nhưng theo các chuyên gia điều này có thể kéo dài vài thập kỷ với những người đang vướng vào khoản nợ khổng lồ.
Khảo sát năm 2022 của Bankrate, công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng ở Mỹ, cho thấy 18% Gen Z và 15% Millennials đang trì hoãn kết hôn vì vấn đề tài chính.
Báo cáo năm 2023 của công ty tài chính cá nhân CreaditKarma (Mỹ), chỉ ra hơn 50% Millennials không muốn kết hôn cho đến khi ổn định tài chính. Hay cùng năm, quỹ tư nhân Lumina Foundation và công ty tư vấn, phân tích đa quốc gia Gallup (Mỹ) báo cáo 13% người nợ học phí phải hoãn kết hôn vì gánh nợ.
Theo The Knot, khoảng 90% Gen Z đang thảo luận về tài chính trước khi cưới. Chuyên gia về ngân sách đám cưới Lauren Kay nhận định điều này thể hiện mong muốn đạt được sự thống nhất về mục tiêu tài chính trước khi lập gia đình.
"Tiền bạc không còn là chủ đề nhạy cảm, nhiều người thẳng thắn chia sẻ về lương, trung thực về khoản nợ trước hôn nhân thay vì giấu giếm", Lauren nói.
Nhiều người bày tỏ lo ngại phải gánh nợ sau khi kết hôn. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng ở Mỹ. Theo US News and World Report, nợ trước hôn nhân sẽ không chuyển sang cho vợ/chồng sau kết hôn. Trừ phi họ sống ở bang có luật "tài sản cộng đồng" mới có thể phải chịu trách nhiệm. Riêng các khoản nợ phát sinh trong thời gian hôn nhân, buộc cả hai có trách nhiệm.
Chuyên gia tài chính tâm lý Mỹ Aja Evans khuyên các đôi nên lập thỏa thuận tiền hôn nhân để làm rõ các vấn đề tài chính. Nếu lo lắng về việc phải gánh nợ của đối phương, làm hợp đồng là giải pháp hữu ích.
Tương tự như việc lập ngân sách, thỏa thuận tiền hôn nhân dễ bị mang tiếng xấu. Trong công việc Aja Evans sẽ giúp vợ chồng hiểu rõ quy trình lập thỏa thuận và những cảm xúc đi kèm. Theo cô, các thỏa thuận này thường gắn với chuyện ly hôn nhưng không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực.
"Nội dung chỉ đơn giản là việc 'nếu chúng ta chia tay mỗi người được giữ tài sản riêng. Đây là tài sản chung và được chia như thế nào nếu ly hôn'", nữ chuyên gia nói.
Ngoài nợ sau hôn nhân, nhiều người e ngại vì chi phám đám cưới tăng. Họ cảm thấy không đủ khả năng hoặc cho rằng tiết kiệm nên dùng để trả nợ.
Tuy nhiên các chuyên gia đều khuyên người trẻ không nên trì hoãn kết hôn chỉ vì các khoản nợ hoặc cố đợi kinh tế ổn định mới lập gia đình.
"Hãy tiến tới hôn nhân nếu may mắn tìm được bạn đời lý tưởng. Còn nếu cứ đợi khi cuộc sống hoàn hảo, bạn sẽ phải chờ cả đời", chuyên gia Jack Howard nói.
Minh Phương (Theo PS Balance)