Số tiền dành cho công cuộc "cải tổ sắc đẹp" này của Ahn là do cha mẹ cô cho mượn. Cũng giống như nhiều thanh niên Hàn Quốc khác, Ahn rất lo lắng về việc không kiếm được một việc làm tử tế trong điều kiện nền kinh tế Hàn Quốc những năm gần đây đã hạ nhiệt nhiều so với sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong thập niên trước.
Diễn viên Lee Yuang Aea, một trong những gương mặt đẹp nhất Hàn Quốc. |
Phòng chờ của các trung tâm thẩm mỹ (TTTM) tại Apgujeong quận Gangnam, nơi tập trung nhiều TTTM nhất thủ đô Seoul, đồng thời là một trong những trung tâm mua sắm, tiêu xài và ăn chơi sành điệu nhất của người Hàn Quốc, lúc nào cũng tấp nập. Đặc biệt các khách hàng trẻ tuổi luôn chiếm một con số áp đảo. Họ tới đây là để thực hiện quy trình giải phẫu thẩm mỹ nhằm tăng cơ hội được tuyển dụng, đặc biệt là vào các tập đoàn lớn như LG hay Samsung.
Kim Sung-Min là trưởng khoa phẫu thuật tại trung tâm thẩm mỹ Imi tại Seoul. Ông cho biết từ đầu năm đến nay ông bị quá tải với các yêu cầu giải phẫu thẩm mỹ kiếm việc làm của các khách hàng trẻ tuổi. "Gần 30% khách hàng của chúng tôi muốn thay đổi ngoại hình cho các cuộc phỏng vấn", ông Kim nói. Trong số này có không ít sinh viên năm cuối của các trường ĐH bởi họ muốn sau khi tốt nghiệp và bắt đầu tìm kiếm việc làm, gương mặt của họ đã có được vẻ tự nhiên sau cuộc phẫu thuật.
Ngoài những yêu cầu phổ biến như nâng mũi, làm mắt hai mí, sửa cằm, kẹp răng, hút mỡ, căng da mặt, các khách hàng thậm chí còn muốn tiêm botox vào thanh quản để giọng nói của họ không còn bị run mỗi khi rơi vào các tình huống căng thẳng, ví dụ như trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Một số cơ sở thẩm mỹ tại Apgujeong còn đưa ra dịch vụ "quý tộc" với lời hứa hẹn sẽ xóa hết những khiếm khuyết của cơ thể và biến khách hàng của họ thành những người mang vẻ đẹp sang trọng và cao quý!
Tại Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, việc xét đoán tính cách và tương lai của một người nào đó qua những đường nét của gương mặt vẫn khá phổ biến. Chính vì vậy quan điểm phẫu thuật để có một khuôn mặt ưa nhìn với những nét "quý tướng" ngày càng trở nên phổ biến ở xứ sở nhân sâm.
Shin Sung-Ha, một cử nhân vừa tốt nghiệp ĐH đã quyết định chỉnh sửa lại khuôn mặt mình sau khi tham khảo ý kiến của thầy tướng. "Mũi tôi quá khoằm và trán tôi quá nhăn", Shin nói. "Thầy tướng nói rằng hình dạng gương mặt tôi cho thấy tôi sẽ có một cuộc đời không yên ả". Shin không phải là trường hợp cá biệt. Việc hỏi ý kiến của thầy bói trước khi giải phẫu thẩm mỹ là chuyện khá thịnh hành ở Hàn Quốc. Có điều, đã có một số thầy tướng bị tố cáo là đã nhận tiền hoa hồng từ các trung tâm thẩm mỹ làm ăn nhập nhèm.
Không chỉ chỉnh sửa mặt mũi hay hình dáng, nhiều thanh niên Hàn Quốc ngày nay thậm chí còn thêm bớt... các đường chỉ tay với hy vọng sẽ có một số phận tốt đẹp hơn trong tương lai. Yoo Jong-Oh, một thầy tướng xem chỉ tay, đã mở một website từ Seoul với tên gọi sonkum.com và ông này đã có một lượng khách hàng ở độ tuổi 20 gia tăng đáng kể.
"Họ yêu cầu tôi cho biết những vị trí chính xác để thực hiện đường rạch chỉ tay, Yoo nói. "Các bác sĩ của họ cũng thường chỉ họ tới gặp tôi để tham khảo". Hơn 70% trong số 1.100 người Hàn Quốc trẻ tuổi tham gia vào một cuộc điều tra xã hội học do mimi.co.kr, một website về phẫu thuật thẩm mỹ, cho biết họ sẽ chấp nhận việc chỉnh sửa các đường chỉ tay nếu điều có giúp cải thiện công việc của họ trong tương lai.
Thế nhưng, sau khi xảy ra vụ sinh viên gốc Hàn Quốc Cho Seung-Hui bắn chết 32 người tại Đại học Virgina Tech (Mỹ) hồi tuần trước, giới trẻ Hàn Quốc lo lắng rằng cơ hội học tập tại Mỹ của họ có thể bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhiều công ty của Hàn Quốc lại yêu cầu những người xin việc phải có bằng thạc sĩ do các đại học của Mỹ cấp và coi đó là điều kiện tối thiểu cho các vị trí tuyển dụng quan trọng. Và trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ấy, một vẻ ngoài dễ nhìn chỉ là yếu tố phụ mà thôi.
(Theo Thanh Niên / The Independent)