Theo truyền thống, người Hàn thường sử dụng những gói dịch vụ cưới bao gồm chụp ảnh studio, váy cưới, trang điểm và lên kế hoạch, thường do một công ty đảm nhiệm, giá lên đến hàng chục triệu won.
Tuy nhiên, nhiều Gen Z sắp cưới đang dần chuyển sang hướng tự thiết kế hôn lễ, chuẩn bị trang phục và phụ kiện theo kiểu DIY (thủ công). Các nền tảng mua sắm trực tuyến đã ghi nhận lượt tìm theo từ khóa "đám cưới tự làm" tăng mạnh.
Nền tảng mua sắm 29CM cho biết lượt tìm "thời trang đám cưới giá rẻ" trong tháng 3 tăng 50% so với năm ngoái. Doanh số váy và áo trắng, thay thế đầm cưới tăng lần lượt 20% và 30%.
"Xu hướng tự làm đồ thủ công cho tiệc cưới chú trọng tính thực tế đang lan rộng", đại diện 29CM, nói.
Chi phí đám cưới tăng cao đã khiến Gen Z sinh ra thuật ngữ wedding-flation ghép giữa wedding (đám cưới) và inflation (lạm phát). Cụm từ chỉ hiện tượng giá dịch vụ cưới tăng bất thường và đẩy họ phải tự làm mọi thứ.

Những mẫu hoa tự làm của giới trẻ Hàn trở thành hashtag xu hướng trên Instagram. Ảnh: Korea Times
Khảo sát của nền tảng thời trang Ably cho thấy nhu cầu tìm váy cưới tự may tăng 25% trong khi ứng dụng AliExpress và Temu cũng đang nổi lên như nguồn để mua váy giá rẻ trong hôn lễ và chụp ảnh.
Đồng thời, từ khóa về phụ kiện cưới giá rẻ (giày, khăn voan, hoa) cũng lọt top thịnh hành. Họ cũng chuyển sang tự bó hoa cưới với các bài đăng hướng dẫn từ cụm tìm kiếm #selfbouquet và #artificialflowerbouquet.

Ảnh minh họa: Pixabay
Các chuyên gia cho rằng xu hướng đám cưới DIY xuất phát từ lạm phát và chi phí lập kế hoạch tăng cao, khiến giới trẻ e ngại dịch vụ truyền thống.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Duo, chi phí kết hôn trung bình hai năm qua là 246.000 USD. Năm ngoái, giá địa điểm đám cưới trung bình đạt 8.700 USD tăng 21% từ 7.200 USD của năm 2023.
Gói studio, đầm, trang điểm năm ngoái đạt mốc 2.500 USD, tăng 8% so với năm trước và tăng vọt 53% từ 1.600 USD của năm 2020.
Trước tình hình chi phí leo thang hàng năm, chính phủ sẽ khảo sát toàn quốc các địa điểm và công ty lập kế hoạch đám cưới.
Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng Hàn Quốc thực hiện khảo sát giá từ tháng 4 đến tháng 12, kiểm tra 711 địa điểm và 1.500 công ty để giảm bất cân xứng thông tin và hỗ trợ người tiêu dùng.
Ngọc Ngân (Theo Korea Times)