Theo Koreabiz, rất nhiều trường hợp đã được báo cáo, do sự căng thẳng xuất phát từ cảm giác bất lực và trầm cảm dẫn tới hành vi bạo lực. Ngày 7/1, bức tượng Đức mẹ Đồng Trinh trong sân của một nhà thờ ở Busan đã bị hư hại nặng nề phần tay và lưng, do bị một khối đá lớn ném vào. Thủ phạm bị bắt sau đó năm ngày, là một người thất nghiệp ngoài 20 tuổi. Điều tra ban đầu cho hay, người thanh niên phạm tội do căng thẳng tích tụ từ việc không tìm được việc làm.
Trước đó, cuối 2020, một người thất nghiệp 27 tuổi cũng bị một cảnh sát bắt giữ ở Seoul, sau khi anh ta dùng vật nhọn mài vào 5 chiếc xe hơi đỗ ven đường lúc nửa đêm. Khai báo với cảnh sát, thủ phạm nói áp lực của việc thất nghiệp khiến anh trở nên như vậy.
Cục Thống kê Hàn Quốc (Statistics Korea) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 của thanh niên từ 15 đến 29 tuổi là 9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 4%. Đặc biệt, những người ở độ tuổi 20 bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát Covid-19.
Báo cáo cũng cho biết, rất nhiều người trẻ đã và đang đang tích cực tìm việc nhưng vẫn thất nghiệp. Đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến số lượng bệnh nhân trẻ mắc chứng rối loạn tâm thần đang gia tăng.
Theo dữ liệu được cung cấp từ Dịch vụ rà soát và giám định bảo hiểm y tế, số lượng thanh niên ở độ tuổi 20 đến khám tại các phòng khám Đông y do rối loạn tâm thần là 1.477 người, tăng gấp đôi so với tổng số báo cáo cách đây 5 năm. Số lượng những người như vậy ở độ tuổi 30 đã tăng 50% so với cùng kỳ.
Trước đó, năm 2020, cổng thông tin tìm kiếm việc làm Job Korea đã thực hiện một cuộc khảo sát với 2.980 người tìm việc mới và trung niên. Kết quả cho thấy, 89,3% trong số người được hỏi nói rằng họ đang bị căng thẳng tột độ do không thể tìm được việc làm.
Thùy Linh (Theo Koreabiz)