![]() |
Các bé gái Eskimo đang chơi đùa trong ngôi làng biệt lập Tununak ở Alaska. |
Giống như hàng trăm khu định cư của những người thiểu số khác trên khắp Alaska, và hàng nghìn ngôi làng như vậy trên khắp thế giới, làng Tununak của người Eskimo Yupik đang cố gắng níu giữ những dấu ấn cuối cùng của bản sắc văn hoá trước sức mạnh phá huỷ của lối sống phương Tây hiện đại.
Người già ở Tununak phàn nàn rằng văn hoá bản địa của họ đã bị đẩy đến bờ tuyệt chủng. Còn với với thế hệ trẻ, những người đã gắn chặt với thế giới bên ngoài bằng Internet và các tivi vệ tinh, dường như nền văn hoá ấy đã thực sự biến mất.
"Nơi này đã chết" - Aaron Link, 16 tuổi, nói - "Không có gì làm ở đây cả. Chúng tôi muốn kết thân với những người bạn mới, gặp những người mới... ở phần còn lại của thế giới".
Để đến được thế giới đó, Link và các bạn học trung học của em từ trường Memorial Paul T. Albert của Tununak đang quyên tiền để thực hiện một chuyến đi xuống dưới vĩ độ 48. Kế hoạch của chúng không phải là du lịch với tư cách đại sứ văn hoá để truyền bá lối sống cổ truyền của mình. Ngược lại, chúng đơn giản là muốn khám phá thế giới bên ngoài, một thế giới mà chúng chỉ mới nhìn thấy qua phim ảnh.
Yupik là một nhóm người Esskimo. Khoảng 20.000 người thuộc bộ tộc này hiện sống trên bờ biển tây nam của Alaska. Trong đó, Tununak nằm trên đảo Nelson, được mệnh danh là "lưng của dòng sông", gần sông Tununak và biển Bering.
Những người châu Mỹ bản địa đã định cư tại ngôi làng này vào khoảng 6.000 năm trước Công nguyên. Qua hàng nghìn năm, dân số của làng tăng lên rồi lại giảm xuống theo những cuộc chiến tranh trong vùng. Ngày nay, các cư dân hài hước nói "xuống phố" và "lên phố" khi muốn đề cập đến những ngôi nhà đơn sơ nhất đã tạo nên làng. Cùng với ngôi trường (nơi sử dụng nhiều lao động nhất), ở đây còn có một trung tâm y tế (nhưng không y tá nào có đăng ký hành nghề) và một cửa hàng bách hoá. Cửa hàng có kết nối Internet mà nhờ nó dân làng có thể đặt mua thức ăn qua mạng từ Bethel, cách đó 190 kilomét.
Con đường duy nhất xuyên qua làng gồ ghề đá sỏi, nhưng chẳng ai có ý định tu sửa, bởi chỉ có một cư dân duy nhất có xe hơi. Tununak chẳng có đường nối đến với nơi nào khác, nghĩa là muốn đến được đây, người ta chỉ thể đi bằng máy bay nhỏ và khi thời tiết cho phép. Phương tiện di chuyển chủ yếu là xe trượt tuyết. Trong hơn 6 tháng mùa đông của năm, khi Tununak phủ đầy tuyết, những con sông băng trở thành huyết mạch giao thông chính.
Tuy nhiên, người dân nơi đây tôn sùng những đường nét khắc nghiệt của những đỉnh đồi trùng điệp và bờ biển lởm chởm. "Đây là quê hương của Chúa", Victor Kanrilak, một luật sư của làng và là thày giáo ở trường nói. Tununak vẫn là một cộng đồng cổ xưa với những người dân chủ yếu sống bằng săn bắn và đánh cá.
Viễn cảnh tiếp tục nghề săn bắn không còn hấp dẫn với những em học sinh tại trường Paul T. Albert Memorial. Nhưng thoát khỏi làng và tìm một việc làm là hành trình rất vất vả. Trong 10 năm qua, ngôi trường này mới cấp chứng chỉ cho một em trai. Hầu hết các học sinh cố gắng học cao hơn đều thất bại.
Ngôn ngữ là một trong những trở ngại chính. Học sinh ở đây bắt đầu học tiếng Yupik, và chuyển sang tiếng Anh khi lên cấp 3. Hầu hết những người trẻ tuổi trong làng đều không thông thạo cả tiếng Yupik lẫn tiếng Anh, và điều đó đẩy họ đến thế bất lợi khi tìm kiếm cơ hội trên đất Mỹ.
"Bọn trẻ nói thứ tiếng Anh làng", Kanrilak nói. "Chúng nói kiểu như thế này, "Chúng tôi sẽ kiểm tra anh", điều đó có nghĩa chúng muốn đến gặp anh".
Kanrilak nói với 8 đứa học trò của mình bằng cả tiếng Anh và Yupik, mặc dù lũ trẻ có thể hiểu tiếng Yupik, nhưng chúng đáp lại bằng tiếng Anh. Kanrilak cho biết thế hệ của ông là thế hệ cuối cùng còn thấm nhuần ngôn ngữ mẹ đẻ.
"Ngày nay chúng tôi phải tranh đấu với tivi. Một nhóm thiểu số trong làng cố gắng nói chuyện với con cái họ bằng tiếng bản địa", ông kể.
Các chuyên gia cho biết ngôn ngữ biến mất có lẽ là chỉ thị mạnh nhất cho thấy một nền văn hoá đang suy tàn. Theo Wade Davis, một chuyên gia về văn hoá, khoảng 6.000 ngôn ngữ được sử dụng trên thế giới cách đây 50 năm. Nhưng ngày nay, chưa đầy một nửa trong số đó đang được truyền lại cho bọn trẻ.
"Nếu không có gì thay đổi, những nền văn hoá này sẽ chết", Davis nói. "Ngôn ngữ không chỉ là ngữ pháp và từ vựng. Nó là sự phô bày tinh thần con người, một phương tiện mà qua đó linh hồn của một nền văn hoá đến với thế giới vật chất, và mỗi ngôn ngữ giống như một cánh rừng già của ý nghĩ".
Ngôn ngữ không phải là phần văn hoá duy nhất bị mất. Ở Tununak, những tín ngưỡng tâm linh cũng đã ra đi. Theo truyền thống của người Yupik, các pháp sư, những người có thể tiếp nhận tiếng nói của tự nhiên, có thể đi lại tự do trong thế giới vô hình. Họ trở lại thế giới này trong những nghi thức mới. Nhưng Tununak giờ đây không còn pháp sư. Một nhà thờ Thiên chúa duy nhất làm nhiệm vụ lo lắng cho phần hồn cho cả cộng đồng.
Kanrilak cho rằng việc mất đi văn hoá là một bi kịch, nhưng không thể tránh được. "Nó xảy ra với những tộc người thiểu số. Lối sống thay đổi khi họ tiếp xúc với những nền văn hoá hưng thịnh khác", ông nói. "Rất nhiều thứ chúng tôi từng làm giờ đây chỉ còn trong ký ức, Vâng, tôi buồn vì điều đó, nhưng nó là chuyện đã xảy ra. Nếu tôi để các con sống trong quá khứ, chúng sẽ bị tụt hậu trong thế giới mà chúng tôi đang sống".
Trong hành trình đi xuống vĩ độ 48, lũ trẻ dự định sẽ giới thiệu những điệu nhảy, như là nền văn hoá truyền thống của Yupik. Nhưng điều mà chúng bận tâm hơn là việc khám phá thế giới, làm cách nào để liên lạc với bạn bè cùng trang lứa trên khắp nước Mỹ và có được niềm tin để bước ra khỏi làng.
Hiện tại kế hoạch cho chuyến đi chưa được lập, nhưng thủ đô Washington sẽ là một trong những điểm dừng chân trên hành trình ròng rã vài tháng này.
Với Joanne Albert, một cô bé 15 tuổi, không quan trọng là chúng sẽ đi đâu. "Tôi chỉ muốn nhìn những khuôn mặt mới. Trong làng, chúng tôi chỉ nhìn thấy từng ấy người, ngày này qua ngày khác", cô bé nói.
Và còn một lý do nữa, đó là việc kết hôn trong làng không phải dễ dàng, vì hầu hết mọi người đều có họ hàng với nhau. "Nhu cầu và tham vọng của giới trẻ đã thay đổi. Người già muốn lớp trẻ giữ gìn truyền thống, ở lại làng và quan tâm đến người già. Nhưng lớp trẻ muốn một tương lai khác. Chúng muốn ra khỏi làng và hoà nhập vào thế giới hiện đại", Janet Hoppe, cô giáo của trường, cho biết.
Thuận An (theo National Geographic)