Chưa kịp bắt nhịp lại cuộc sống sau dịch, lạm phát kéo đến khiến thế hệ trẻ chật vật đương đầu, thay đổi nếp sinh hoạt và học cách cân đối chi tiêu. Ra trường hai năm, Hoàng Yến (24 tuổi, ngụ TP HCM) là nhân viên tại một doanh nghiệp ngành quảng cáo, cảm thấy áp lực chi tiêu càng lúc đè nặng. Ứng phó với vật giá leo thang, cô áp dụng mọi phương pháp như hạn chế cà phê với bạn bè, cắt giảm mua sắm online, nấu cơm mang lên văn phòng... Khó khăn hơn kể từ đầu năm nay chủ nhà thông báo điều chỉnh giá cho thuê, căn trọ của Hoàng Yến tăng từ 4 triệu lên 5 triệu đồng một tháng.
"Với mức lương hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, tiền nhà đã chiếm 50%, tằn tiện cũng chỉ vừa đủ sống ở thành phố, sao nói đến chuyện có dư", Hoàng Yến tâm sự.
Theo dữ liệu của Batdongsan, hai tháng đầu năm 2023, mức độ quan tâm các loại tài sản cho thuê tại TP HCM tăng vọt, giá thuê nhà trọ tăng 18% so với cùng kỳ. Khảo sát trên nền tảng bất động sản Mogi, trong tháng 3, giá thuê phòng tại các vực như quận 3, 4, Phú Nhuận, Bình Thạnh tăng, dao động từ 3,5-5 triệu đồng mỗi tháng cho căn hơn 20 m2.
Còn vợ chồng Ngọc Linh (TP HCM) không phải lo về tiền thuê nhà như Hoàng Yến vì được bố mẹ cho nhà sau riêng khi cưới. Dẫu vậy, đối mặt với thời bão giá, vợ chồng trẻ cũng phải "thắt lưng buộc bụng" khi việc tăng giá thể hiện rõ rệt từ mâm cơm, chi phí đi chợ hàng ngày. Nếu như trước kia, bữa ăn cho hai người tốn khoảng 100.000-150.000 đồng, thì hiện giờ đã lên gần 200.000 đồng.
Theo nhận định của tờ Bloomberg, thế hệ gen Z (những người sinh từ 1997-2010) đang phải đối mặt áp lực của thời kỳ tăng giá lớn nhất trong bốn thập kỷ. Người trẻ thường kiếm được mức lương thấp và tiết kiệm ít hơn so với nhóm người lớn tuổi. Ngoài ra, giá xăng dầu, nhu yếu phẩm, thức ăn... tăng cao, tạo thêm gánh nặng chi tiêu cho thế hệ vừa chập chững bước vào tuổi trưởng thành.
Jeff McDermott - nhà hoạch định tài chính tại Create Wealth Financial Planning (Mỹ) nhận định, lạm phát là thách thức đối với thế hệ trẻ, vì họ phải gánh chịu mọi chi phí tăng cao nhưng lại chẳng sở hữu tài sản gì để cân đối thu chi.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhìn nhận giới trẻ Việt khá thiếu kỹ năng quản lý tài chính. Trong khi đó lập kế hoạch chi tiêu cá nhân hiện nay là điều rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh lạm phát, kinh tế khó khăn. Phương pháp dễ thực hiện nhất là tiết kiệm.
"Cho dù chúng ta làm gì, tích lũy là việc quan trọng", ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Khánh cho rằng, tiết kiệm cần có kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Ngay từ khi nhận lương tháng, người trẻ nên nghĩ ngay đến việc trích một khoản để dành. Bên cạnh đó, hạn chế mua sắm những vật dụng không cần thiết cũng là cách đảm bảo an toàn dòng tiền thời lạm phát.
Mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến, quảng cáo xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội... Vì vậy, thế hệ trẻ cần chọn lọc hoặc tỉnh táo khi sử dụng các nền tảng giải trí, tránh móc hầu bao chi tiêu.
Ngoài tiết kiệm, đầu tư cũng là phương pháp quản lý dòng tiền hiệu quả. Khi giá cả sinh hoạt tăng cao nhưng lương vẫn giữ mức cũ, kiếm thêm nguồn thu là cần thiết. Một số kênh chuyên gia khuyên lựa chọn như gửi ngân hàng, mua bảo hiểm, vàng, chứng khoán...
"Giai đoạn này không phù hợp với nhà đầu tư ngắn hạn nhưng lại là cơ hội cho trung và dài hạn. Chúng ta nên bước chậm mà chắc, tham khảo các kênh chuyên nghiệp, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính", ông Khánh nói.
Những kiến thức, kinh nghiệm quản lý dòng tiền thời lạm phát sẽ được thảo luận rõ hơn trong chuyên đề eBox "Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả", diễn ra trong ba ngày từ 29-31/3, với sự tham gia của hai chuyên gia Phan Dũng Khánh và Lâm Minh Chánh.
Chuyên đề sẽ có 8 video được công chiếu vào 20-22h ngày 29-30/3. Trong ngày 31/3, người tham gia có cơ hội hỏi đáp trực tiếp với hai diễn giả.
Giá vé đang được ưu đãi còn 199.000 đồng, áp dụng đến hết 26/3 trước khi chuyển sang mức giá cao hơn là 319.000 đồng. Người đăng ký có thể xem lại toàn bộ nội dung nếu không sắp xếp tham dự đúng ngày.
Đăng ký vé eBox tại đây. |
Hoàng Khải