Theo tạp chí Style, bản báo cáo của IBISWorld - Tổ chức điều tra và nghiên cứu thị trường thế giới - công bố, doanh số bán lẻ của dòng thời trang nam trong vòng 5 năm qua trên các kênh thương mại điện tử đã tăng vượt cả máy tính và rượu bia, chiếm 17,5%. Tuy nhiên, dù phát triển rất nhanh trong năm 2014 với doanh thu 440 tỷ USD, thời trang nam vẫn kém xa dòng cho nữ - 662 tỷ USD. Giới chuyên môn nhận định, sẽ còn rất lâu nữa mới có sự cân bằng.
Nguyên nhân chủ yếu được giới chuyên môn nhận định là ngày càng nhiều nhà thiết kế đồ nam - cả kỳ cựu lẫn tài năng trẻ - chuyển hướng sang thiết kế đồ nữ vì thị phần béo bở.
Hedi Slimane từng là một giám đốc sáng tạo danh tiếng của Dior Homme - nhánh thời trang nam thuộc nhà mốt Dior. Trong năm năm làm việc tại đây, anh đã tạo ra một quy chuẩn thống nhất và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong ngành thời trang cho phái mạnh. Slimane chưa từng đụng đến một thiết kế nữ nào cho tới khi anh tiếp quản Saint Laurent năm 2012 và giúp cho doanh thu của nhà mốt này tăng gấp đôi với các sản phẩm nữ.
Nhà mốt Dior cũng kéo Raf Simons - từng có 10 năm gắn bó với dòng thời trang nam của Jill Sander - về với mình để chuyển hướng thiết kế. Từ 2005, với các bộ sưu tập dành cho phái nữ, tên tuổi của Simons lừng lẫy hơn. Giới chuyên môn còn cho rằng, tài năng của anh đã không bị lãng phí. Hiện Simons là giám đốc sáng tạo, chủ trì mọi thứ liên quan đến nữ giới tại Dior.
Không chỉ những tên tuổi gạo cội, nhiều nhà tạo mẫu trẻ cũng đang dần chuyển từ thiết kế đồ nam sang nữ. Nhà thiết kế Jonathan Anderson khởi nghiệp bằng việc thiết kế đồ nam. Nhưng hai năm sau khi tung ra bộ sưu tập đầu tay (2010), anh tấn công ngay vào lĩnh vực thời trang nữ.
Hai anh em Ariel và Shimon Ovadia ở Brooklyn (Mỹ), từng nhận giải thưởng thiết kế trang phục nam của Hiệp hội Thời trang Mỹ (CFDA), cho biết: "Có rất nhiều người khuyên chúng tôi phát triển thêm dòng thời trang nữ. Đây là chiến lược kinh doanh tự nhiên và hiệu quả, một chiếc bánh lớn mà ai cũng có thể có phần, dù tính cạnh tranh không ít. Tuy nhiên, việc này không thể diễn ra một sớm một chiều. Chúng tôi đang có dự án khởi động bằng các thiết kế dùng được cho cả nam và nữ".
Dòng chảy "từ nam sang nữ" xuất phát từ thực trạng, nhiều nhà thiết kế nhận ra, những bộ sưu tập dành cho nữ mới là yếu tố giúp họ thu hút sự chú ý của giới truyền thông, thu về lợi nhuận. Từ đó, việc duy trì dòng trang phục cho nam chỉ vì niềm đam mê của họ. Rất ít những người có thể điều hành song song hai dòng thời trang vững vàng như Riccardo Tisci của Givenchy, Ralph Lauren hay Rick Owens.
Thời trang nam thực tế không đủ khả năng nuôi dưỡng nhân tài. Thị trường dành cho nam, đặc biệt là phân khúc trung và cao cấp không tạo lợi nhuận đủ để duy trì hoạt động, từ chi trả phí làm show diễn, quảng cáo đến khả năng phát triển thương hiệu. Vì vậy, bằng cách này hay cách khác, các nhà thiết kế nam luôn lồng ghép tính nữ vào để sản phẩm của mình để dễ tiêu thụ hơn.
Nhà thiết kế Anh Craig Green - được mệnh danh là "đấng cứu rỗi thời trang nam" khi giành giải LVMH Prize (Giải thưởng của Tập đoàn quốc tế Pháp chuyên về sản phẩm xa xỉ) - không nằm ngoài vòng xoáy này. Anh làm đồ nam, nhưng vẫn lấy cảm hứng từ những cô gái thời trang như blogger Susie Lau (Susie Bubble) hay nữ ca sĩ lập dị FKA Twigs. Trong một cuộc phỏng vấn, Green không giấu tham vọng "thâm nhập sâu hơn vào thời trang nữ trong vòng một năm tới".
Marcus Wainwright, đồng sáng lập Rag & Bone, ban đầu tự thiết kế trang phục để anh mặc. Nhưng vợ anh cũng muốn có vài thiết kế trong số đó. Anh chia sẻ: "Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra kinh doanh thời trang dành cho phái nữ phát đạt hơn, tiêu thụ nhanh chóng hơn. Tính thẩm mỹ của trang phục cũng được nữ giới truyền tải tốt hơn. Điều này gần như hoàn toàn khác biệt với hầu hết những ngành kinh doanh khác".
Nhà thiết kế trang phục nam Tim Coppens chia sẻ, anh từng để một vài yếu tố nữ tính thâm nhập vào bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên, anh cũng khá thận trọng với cách tiếp cận này: "Không thể phủ nhận thiết kế cho nữ sẽ sinh lời. Nhưng đưa phong cách nữ vào bộ sưu tập nam sẽ làm nó mất đi bản sắc, trong khi lĩnh vực này vẫn đang phát triển không ngừng. Việc ôm đồm nhiều thứ cùng lúc có thể gây phản tác dụng".
Sao Mai