"Giới siêu giàu đang làm ô nhiễm hành tinh này tới mức tàn phá, khiến nhân loại chịu đựng nắng nóng cực độ, lũ lụt và hạn hán", quyền giám đốc điều hành Oxfam International Amitabh Behar nêu trong thông báo hôm 20/11, kêu gọi các lãnh đạo thế giới "chấm dứt kỷ nguyên của giới siêu giàu".
Oxfam công bố báo cáo cho thấy vào năm 2019, top 1% người giàu nhất thế giới (77 triệu người) xả 16% khí thải carbon toàn cầu, tương đương lượng phát thải từ 66% người nghèo nhất thế giới (5 tỷ dân).
Lượng khí thải carbon từ 1% người giàu nhất thế giới cao hơn lượng khí thải mà toàn bộ ôtô và phương tiện giao thông đường bộ toàn cầu thải ra năm 2019. 10% người giàu nhất thế giới thải ra một nửa lượng khí thải carbon toàn cầu vào năm đó.
Đây là dữ liệu mới nhất Oxfam, liên minh các tổ chức từ thiện hoạt động ở khoảng 90 quốc gia, thu thập được. Guardian nhận xét đây là nghiên cứu toàn diện nhất về bất bình đẳng khí hậu từng được thực hiện.
"Những phát hiện này không phải điều đáng ngạc nhiên, nhưng chúng rất quan trọng", giám đốc Viện Môi trường Sydney tại Đại học Sydney David Schlosberg nhận xét.
Khi các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị dự hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc năm nay, ông Schlosberg nói rằng dữ liệu từ Oxfam đưa ra hướng mới để thảo luận về vấn đề bình đẳng khí hậu, bên cạnh chủ đề nhạy cảm là các nước công nghiệp hóa đã khiến toàn cầu nóng lên.
"Đó là vấn đề lớn về bình đẳng khí hậu, các nước không muốn trả giá cho những gì họ đã làm trong quá khứ. Vì vậy, chúng ta sẽ không nói về trách nhiệm quá khứ mà ở hiện tại", ông Schlosberg nói.
Oxfam đưa ra đề xuất gần như không mới và là giải pháp các nhà hoạt động môi trường đang tiếp tục đấu tranh: đánh thuế những người siêu giàu và sử dụng số tiền đó để đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Oxfam kêu gọi áp thuế mới với các tập đoàn và tỷ phú thế giới, cho rằng mức thuế 60% đánh vào thu nhập của nhóm 1% giàu nhất thế giới sẽ giúp cắt giảm lượng khí thải nhiều hơn cả tổng lượng khí thải của Anh và thu về 6,4 nghìn tỷ USD mỗi năm để dùng cho quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Những năm gần đây cũng xuất hiện các đề xuất đánh thuế những hoạt động phát thải khí carbon cao, như mua, sử dụng máy bay riêng, du thuyền và ôtô dùng nhiên liệu hóa thạch.
Thượng nghị sĩ Mỹ Edward J. Markey vài tháng trước đề xuất đánh thuế việc di chuyển bằng máy bay tư nhân, kêu gọi giới giàu phải đóng góp công bằng cho chi phí môi trường.
Canada năm ngoái áp thuế 10% với việc mua máy bay riêng, du thuyền và ôtô hạng sang. Những năm gần đây, nhiều người nổi tiếng phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ công chúng vì sử dụng máy bay riêng, nhất là người mẫu Kylie Jenner từng dùng máy bay riêng cho chuyến bay dài 14 phút.
"Người dân hiểu sự bất bình đẳng và tác động của nó tới biến đổi khí hậu. Các mức thuế riêng dành cho những hoạt động phát thải cao đang được công chúng ủng hộ và có thể thấy một số nước ngày càng chịu áp lực phải hành động nhiều hơn về vấn đề này", Schlosberg nói.
Ngọc Ánh (Theo Washington Post)