Tại cửa hàng trái cây nhập cao cấp ở trung tâm quận 1, TP HCM, một kg nho mẫu đơn xanh giá 1,7 triệu đồng, đào kích thước to từ 550.000 - 650.000 mỗi cặp... Đây là giá của những trái cây được giới thiệu nhập từ Nhật Bản. Trước đó, cửa hàng này từng mang 5 chùm nho Ruby Roman giá 11 triệu mỗi chùm về và hết sạch chỉ sau một ngày.
Chị Mỹ Linh, đại diện cửa hàng cho biết, khách đến đây tìm mua để dùng và biếu tặng. Họ không mấy lăn tăn về giá, mà cầu kỳ về mẫu mã, dịch vụ.
"Khi giá không còn là yếu tố chính thì họ đánh giá về chất lượng, uy tín thương hiệu. Chúng tôi bán trái cây có bảo hành, nếu không hài lòng là đổi trả hay giảm giá cho lần sau. Gói quà cũng rất quan trọng, phải thật đẹp so với thị trường", chị Linh nói.
Chi tiêu cho ăn uống là một trong những cách rất dễ thấy để đánh giá độ thịnh vượng của xã hội. Khi giới trung lưu, giàu có và siêu giàu ở Việt Nam ngày càng tăng, các trạng thái mô tả về sự thịnh vượng cũng dần thay đổi.
Khái niệm "đủ ăn đủ mặc" đến "ăn no mặc ấm" không còn được nhắc nhiều. Ngày nay, khi giới thiệu những sản phẩm đắt tiền mới, các doanh nghiệp nhắm vào phân khúc trung - cao cấp thường bỏ qua cả nhu câu "ăn ngon mặc đẹp" mà nhấn mạnh đến "ăn sướng mặc sang" hay "ăn sang mặc xịn".
Trong những lần chia sẻ cùng VnExpress, bà Đào Thị Hạ Vy – CEO của Thực phẩm Tinh hoa (Gourmetfood) luôn tin vào một thị trường trung - cao cấp rộng mở ở Việt Nam và nhu cầu không ngừng tăng của giới giàu có.
Đó là lý do những món ngon được xếp hàng xa xỉ hàng đầu lần lượt được mang về. Sau bào ngư Australia, tôm hùm Alaska thì đến đùi heo muối Iberico với giá đến 35 triệu đồng mỗi chiếc.
Cách đây ít hôm, hãng nghiên cứu Wealth-X công bố báo cáo về người siêu giàu thế giới - World Ultra Wealth Report, có tài sản từ 30 triệu USD trở lên. Theo đó, Việt Nam nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 - 2017, với 12,7% mỗi năm. Tốc độ này chỉ đứng sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).
Năm 2011, khi khái niệm mua hàng hiệu xa xỉ tại Việt Nam còn mới mẻ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn bắt tay đầu tư loạt các cửa hàng thời trang xa hoa ngay trên đại lộ Nguyễn Huệ (TP HCM).
Đến nay, ông được giới kinh doanh gọi là 'Vua hàng hiệu'. IPPG do ông và vợ điều hành đã mang về hơn 96 thương hiệu hàng đầu thế giới từ cao cấp đến trung cấp, thuộc nhiều lĩnh vực như thời trang, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, đồng hồ, nữ trang... Năm 2017, vợ chồng ông được tạp chí Business of Fashion bình chọn vào danh sách 500 nhân vật quyền lực của làng thời trang thế giới.
Ngoài IPPG, các công ty phân phối hàng xa xỉ ở Việt Nam còn có Maison, Open Asia, Global Link, Havang, Sam & Sassy, Tam Sơn... So với quy mô dân số, lượng khách hàng mục tiêu của các công ty này không nhiều nhưng tăng nhanh.
"Sau chuyến 'lưu diễn' năm ngoái, hai mẫu đồng hồ 'The Bird Repeater' và 'The Charming Bird' đã tìm được chủ sở hữu tại Việt Nam với giá lần lượt 13 tỷ và 11 tỷ đồng", đại diện nhà phân phối thương hiệu Jaquet Droz (Thụy Sỹ) từng bật mí.
Trao đổi với VnExpress, nhà phân phối yêu cầu giấu tên khác cho biết, công ty từng bán được một chiếc đồng hồ Vacheron giá 9 tỷ đồng và một chiếc Chopard chức năng phức tạp với mặt gắn kim cương giá 14 tỷ cho khách Việt Nam.
Theo báo cáo công bố năm 2016 của Knight Frank, giới giàu có (High Networth Individuals - HNI) ở Việt Nam khoảng 13.000 người, tức người có tài sản từ hơn một triệu USD. Dự báo, nhóm người này sẽ tăng 139%, lên 30.338 người vào năm 2025.
Tuy nhiên, dự báo này nhiều khả năng còn kém xa so với thực tế. Bởi lẽ, Knight Frank cho rằng Việt Nam sẽ có 2 tỷ phú USD vào năm 2025. Tuy nhiên, chỉ mới năm 2018, Forbes đã ghi nhận đến 4 tỷ phú.
Chuẩn bị cho Hong Kong October Show diễn ra tháng sau, ông Henry Fong - Giám đốc Comasia - nhà quản lý triển lãm, đích thân đến Việt Nam để quảng bá sự kiện và mời gọi doanh nghiệp đến tham gia trưng bày lẫn tìm nhà cung ứng.
Ông cho hay, hàng loạt sản phẩm chất lượng cao cùng thiết kế tinh xảo của châu Á, từ đồ gia dụng, đồ chơi, quà tặng, phụ kiện thời trang... sẽ được giới thiệu và phù hợp với thị trường Việt Nam.
"Được sự ủng hộ và tin dùng bởi tầng lớp trung lưu tăng nhanh và sự xuất hiện ồ ạt của những nhà bán lẻ quốc tế, doanh số bán lẻ của Việt Nam tăng kỷ lục và đạt 129,6 tỷ USD trong năm qua. Tiêu dùng trong các ngành sản phẩm điện tử, đồ gia dụng và các mặt hàng tiêu dùng lâu bền khác đang tăng mạnh và phần lớn người tiêu dùng trong nước ưu tiên sử dụng sản phẩm ngoại nhập hơn là các sản phẩm nội địa có giá thành thấp hơn", ông Henry Fong nhận định.
Viễn Thông