Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam được thành lập hôm 4/10, hiện có tổng số 50 hội viên là các đơn vị phát hành tư nhân và địa phương.
Hiệp hội hoạt động với mục tiêu tập hợp, đoàn kết công tác phát hành và phổ biến phim Việt Nam để truyền tải, phổ biến rộng rãi các tác phẩm điện ảnh có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Hội cũng phối hợp thực hiện các hoạt động kinh doanh phát hành, phổ biến phim trên thị trường trong và ngoài nước, đấu tranh chống những hành vi độc quyền, tranh chấp thị trường, xâm phạm lợi ích chính đáng của hội viên trong lĩnh vực phát hành và phổ biến phim tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Nhiêm (Tổng giám đốc Công ty Phim Studio A Việt Nam) - Chủ tịch Hiệp hội - chia sẻ: "Sự ra đời của Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam là vô cùng cần thiết. Trong những năm 1990, phim Việt sản xuất rất ít. Khi có cơ chế thị trường, phim Việt bung ra và phát triển. Sau 10 năm, nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang phát triển. Trong khi các đơn vị, doanh nghiệp nội địa gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật và nguồn vốn, họ lại bị cạnh tranh khốc liệt bởi các tập đoàn lớn của nước ngoài".
Ông Nhiêm dẫn giải hiện thị trường rạp chiếu phim chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài nắm chính và họ cũng là những đơn vị phát hành nhiều phim của Mỹ và Hàn Quốc. Bởi vậy, những nhà sản xuất và phát hành phim Việt Nam đang phải chịu nhiều "bất lợi so với phim nước ngoài ở tại chính đất nước mình về tỷ lệ ăn chia, giờ chiếu, suất chiếu". Từ thực tế đó, Hiệp hội sẽ nghiên cứu những hàng rào kỹ thuật bảo vệ phim đã có trên thế giới rồi lập những đề xuất tới các cơ quan quản lý, tạo ra cơ sở vững chắc bảo vệ việc phát hành và phổ biến phim Việt.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó giám đốc công ty BHD - chia sẻ rằng các đơn vị tư nhân như BHD phải nỗ lực để sống sót trước các tập đoàn phát hành phim "cá mập" từ nước ngoài như CGV hay Lotte. Bà nói: "Trong hai năm gần đây, chúng tôi phải đẩy mạnh việc xây rạp. Ngoài bốn cụm rạp tại TP HCM và một rạp liên doanh ở Hà Nội, từ giờ đến hết năm 2016, chúng tôi có kế hoạch xây thêm khoảng 10 cụm rạp với thêm 70 - 80 phòng chiếu. Galaxy cũng như một vài doanh nghiệp nữa cũng đang xây thêm rạp. Nếu các cụm rạp của người Việt Nam, bao gồm cả tư nhân và nhà nước, có nhiều hơn thì tôi tin tưởng sẽ tạo ra sự cân bằng về đầu ra giữa các đơn vị nước ngoài và trong nước".
Tham gia vào Hiệp hội mới với vai trò phó chủ tịch kiêm trưởng ban nghiên cứu thông tin thị trường, bà Hạnh cho biết: "Trước mắt, chúng tôi sẽ lập đề xuất đến các cơ quan chức năng để xin được điều chỉnh luật điện ảnh phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Bước đầu, đề xuất đã được Cục Điện Ảnh thống nhất vì năm 2016 đánh dấu 10 năm luật điện ảnh ra đời và chưa có sửa đổi".
Dự án đầu tiên của Ban nghiên cứu thông tin thị trường sẽ là nghiên cứu và học hỏi thêm từ những quốc gia có nhiều chính sách tốt bảo vệ Điện ảnh nội địa như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp...
"Ở Pháp, nhà nước lấy thuế từ phim Mỹ để hỗ trợ phát hành và sản xuất phim Pháp cũng như một số quốc gia thứ ba trong đó có cả Việt Nam... Trung Quốc đặt ra quota nhập khẩu không được quá 30 phim nước ngoài mỗi năm. Tuy nhiên, họ không cam kết hiệp định thương mại với những điều kiện như Việt Nam đã cam kết nên chúng ta không thể áp dụng được cách này", bà Hạnh đưa ra một số nghiên cứu của Hiệp hội.
Ngoài mục đích tìm đường sống cho phim nội địa trên chính đất nước mình, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt cũng đặt ra mục tiêu đưa điện ảnh nước nhà về được với khán giả tỉnh lẻ, nông thôn. Đây là là vấn đề được nhiều hội viên, là các cụm rạp ở các tỉnh, mong muốn tìm ra giải pháp.
"Các đơn vị chiếu bóng ở tỉnh lẻ thường có cơ sở vật chất không đáp ứng được tính bảo mật của phim mới từ các nhà phát hành phim lớn. Chúng tôi cố gắng lấy ý kiến hội viên và làm việc với các cơ quan chức năng để tạo ra những chính sách hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư phim nhiều hơn về các tỉnh lẻ", Chủ tịch Hiệp hội nói.
Vũ Văn Việt