Đuôi của một chiếc Boeing 777 đập xuống đường băng trong sân bay quốc tế San Francisco tại Mỹ hôm 6/7 khiến nó rời khỏi thân, còn thân bốc cháy. Cú hạ cánh thảm khốc khiến hai người chết và hơn 200 người bị thương. Các nhà điều tra nhận định hai hành khách xấu số tử vong do va chạm với xe cứu hộ. Như vậy, tính tới nay, chưa người nào chết trong các vụ tai nạn của Boeing 777.
Với khả năng bay liên tục trong 16 tới 19 giờ, Boeing 777 đảm nhận gần một nửa chuyến bay đường dài trên thế giới. Nó là phương tiện chủ yếu để vận chuyển khách từ Mỹ tới châu Âu, châu Á. Kể từ khi máy bay Boeing 777 đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào năm 1994, hơn 1.100 chiếc đã ra đời. Chỉ một chiếc trong số đó gặp tai nạn nghiêm trọng. Vụ tai nạn ấy không gây nên trường hợp tử vong nào.
“Độ tin cậy của Boeing 777 rất cao nhờ thiết kế đặc biệt của nó”, Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không của tập đoàn nghiên cứu Teal Group tại Mỹ, phát biểu.
Tuy nhiên, Boeing 777 vẫn khiến giới chuyên gia lo ngại bởi một vấn đề ở động cơ, Los Angeles Times đưa tin.
Vào năm 2008, một chiếc Boeing 777 của hãng Britisth Airways lao xuống đường băng ở phía nam bay Heathrow tại Anh. Kết quả điều tra cho thấy điện trong máy bay mất do sự hình thành của một khối băng khiến nhiên liệu không thể chảy vào động cơ.
Tháng 5/2012, hãng Boeing phát hiện ra rằng một bộ phận lỗi khiến động cơ của Boeing 777 – do tập đoàn General Electric chế tạo – ngừng đột ngột. Trong khoảng 4 tháng, sự cố động cơ ngừng trong lúc phi cơ đang bay đã xảy ra hai lần.
Khoảng 26 chiếc Boeing 777 đang hoạt động sở hữu các động cơ do General Electric chế tạo. Asiana sở hữu 7 chiếc và người ta chưa biết chiếc nào trong số đó sở hữu động cơ General Electric.
WSJ cho biết, một số phiên bản gần đây của Boeing 777 được tích hợp bộ phận an toàn để giúp phi công tránh nguy cơ đập đuôi xuống đường băng trong quá trình cất cánh. Nhưng bộ phận đó không hoạt động trong quá trình hạ cánh.
Theo một báo cáo kỹ thuật mà Boeing công bố vào năm 2007, đuôi máy bay thường đập xuống đất do thân không ổn định trong quá trình hạ xuống. Thân máy bay có thể rơi vào tình trạng tròng trành do chúng đáp xuống từ vị trí quá cao, quá thấp hoặc chệch đường băng. Việc phi công không xử lý tốt khi máy bay gặp những cơn gió mạnh cũng có thể khiến thân phi cơ trở nên không ổn định.
“Những cú đập đuôi trong lúc hạ cánh gây nên thiệt hại lớn hơn so với những cú đập đuôi trong lúc cất cánh, bởi đuôi có thể đập xuống đường băng trước bánh”, Boeing nhận định.
Minh Long