Cô giáo trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TP HCM) vừa nhận kỷ luật khiển trách bởi phạt học sinh tự tát vì gây ồn. Trước đó không lâu, cô giáo trường Tiểu học Lê Lợi (TP Huế, Thừa Thiên Huế) cũng bị kiểm điểm khi bắt học sinh lớp 1 ngậm bút chì do nói chuyện riêng.
Hai trường hợp này gây tranh luận trái chiều, trong đó nhiều nhà giáo đặt vấn đề: giới hạn nào cho việc phạt học trò?
Không phạt trẻ sẽ hư
"Chưa bao giờ nghề giáo, nhất là giáo viên tiểu học, có vẻ nguy hiểm như hiện nay. Chỉ cần động nhẹ vào học trò là dính tiếng bạo hành, phản sư phạm, bị chỉ trích không tiếc lời", cô Tâm - trường tiểu học ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) bày tỏ bức xúc trước câu chuyện của hai đồng nghiệp trên.
Theo cô Tâm, trẻ ở bậc tiểu học rất non nớt, thiếu tập trung nên hay nói chuyện, nghịch phá. Nhiều cháu được cha mẹ nuông chiều quá mức thường rất khó bảo, nói quá là "cứng đầu". "Phạt trẻ nghịch ngợm, không ngoan ở lứa tuổi này là cần thiết, không phạt trẻ sẽ hư mãi, không bao giờ ngoan được", cô bày tỏ.
Cô giáo này kể, phần lớn phụ huynh trong cuộc họp đầu năm đều đồng tình "cho phép" giáo viên phạt con mình để các cháu ngoan hơn. Song, cũng có những cha mẹ không chấp nhận bất cứ hành vi phạt trẻ nào, dù chỉ là bắt đứng tại chỗ nên họ phản ứng.
"Mỗi phụ huynh chỉ có 1-2 con mà nuôi dạy đã mỏi mệt thế nào, lúc nóng giận không ít người đánh con vì chúng không nghe lời. Đằng này giáo viên phải lo cho mấy chục cháu trong lớp, chỉ cần 5-7 em khó bảo thôi là phá nát buổi học ngay, không phạt không được", cô Tâm quả quyết.
Cùng quan điểm, một giáo viên ở quận 1 (TP HCM) kể, ngày xưa đi học bị thầy cô đánh như cơm bữa nhưng giờ vẫn nhớ ơn, gặp lại thầy cô giáo vẫn cung kính khoanh tay cúi đầu cho dù đang ở địa vị gì chăng nữa.
"Học trò bây giờ thế nào - như những cỗ máy chưa kiến thức trong đầu, ngoài ra chẳng còn biết chi cả. Phải chăng vì sự nuông chiều trẻ quá mức của cha mẹ? Hãy nhìn thẳng sự thật vào thực trạng xã hội hiện nay, cũng vì không có sự uốn nắn, trẻ không học sự kềm chế nên mới lớn ra đường hở một chút là đánh nhau", cô nêu ý kiến.
Theo giáo viên này, phạt trẻ đúng cách là cần thiết. Phụ huynh cần cho giáo viên "không gian" để giáo dục, uốn nắn trẻ thay vì bắt lỗi từng chút, dần dà thầy cô không dám làm gì trẻ nữa.
Hiểu trẻ trước khi phạt
Hơn 20 năm trong nghề, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn (giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TP HCM) cho rằng với trẻ tiểu học, chuyện nghịch ngợm, bướng bỉnh là đương nhiên. Phạt là cần thiết nhưng trước khi phạt cần hiểu trẻ và kiềm chế được chính bản thân để tránh những hành vi bộc phát do nóng giận hoặc lời nói thô lỗ, bất cẩn.
"Tôi thường nhắc nhở mỗi khi trẻ không ngoan, nhắc nhiều lần không tiến bộ sẽ bắt đứng lên, phân tích đúng sai cho chúng rồi bắt phạt đứng tại chỗ vài phút cho nhớ. Nếu trẻ tiếp tục tái diễn, tôi sẽ liên hệ với phụ huynh để thông báo và đề nghị phối hợp uốn nắn trẻ", thầy Sơn kể.
Theo ông Sơn, nhiều đồng nghiệp dường như bỏ quên bước liên hệ với phụ huynh hoặc sơ sài dẫn đến sự không đồng cảm, thấu hiểu giữa hai bên. Cứ thấy sai rồi phạt trẻ, phạt nhiều không thay đổi thì bỏ lơ đều khiến cha mẹ nhầm tưởng giáo viên có ác cảm với con mình, điều tiếng không hay.
Ngoài ra, giáo viên tiểu học cũng có thể phối hợp với chuyên viên phụ trách tâm lý ở mỗi trường để rèn giũa các em ngỗ nghịch. Thông thường, các chuyên viên này am hiểu về tâm lý sẽ có cách thức bảo ban trẻ phù hợp hơn.
"Giáo viên cũng cần tương tác với ban giám hiệu nhiều hơn trong việc giáo dục trẻ nghịch ngợm, thậm chí là việc phạt trẻ. Sự tương tác này sẽ giúp giáo viên có những tư vấn kịp thời, đồng thời khi xảy ra những phản ứng do hiểu lầm của phụ huynh thì vẫn có sự phản hồi kịp thời từ nhà trường", thầy Sơn khuyên.
Nguyên tắc khi phạt trẻ của thầy Sơn là không bao giờ bắt phạt tập thể, em nào hư phạt em đó. Mục đích chính của việc phạt là cho trẻ biết mình sai ở đâu, lần sau không tái phạm bởi đã hiểu được cái sai đó.
"Các hình thức phạt phản sư phạm sẽ khiến trẻ bị lờn, có phạt cỡ mấy trẻ cũng chẳng tiến bộ mà thậm chí còn trở nên tiêu cực hơn", thầy giáo quan niệm.