Tàn cuộc vấn hầu, ra khỏi điện Vinh lại vận quần jaen uống rượu tây và ngậm ba số, vít ga xe phân khối 70- 80 km/giờ... bó vỉa, đánh võng qua những khúc cua phố phường, lao đến tiệm bida máy lạnh, karaoke... và phàm tục hết mình. Vinh bảo, thế giới này ai cũng có thể là con nhang. Hầu đồng, đàn bà bây giờ ít hơn đàn ông, bà già ít hơn giới trẻ và người có văn hóa, chức vị, học vị nhiều hơn những người lao động. Các sếp hay các vị doanh nhân cứ trước và sau khi ký hợp đồng hay nhận thầu công trình hoặc bầu chức vụ đều lên điện múa dẻo như thiên nga. Các sếp trong cơ quan hành chính trước và sau bầu bán, thay đổi nhân sự cũng sắm sửa những lễ hàng trăm triệu lên xin hoặc "lại quả" thần thánh chu đáo.
Con nhang sùng tín còn là những bà già, chị bán rau, anh bán hàng rong đến ông già về hưu dưỡng lão. Nói chung, mọi ngành, mọi nghề đủ cả. Vinh còn biết, có rất nhiều quan chức Nhà nước cứ đi nước ngoài về, cởi complet là ôm đao, cầm giáo mác gỗ nhảy múa cả ngày. Trong vấn hầu người ta xếp rất nhiều chỗ cho trẻ con ngồi xem. Có đứa chưa biết đọc nhưng cũng gập người vái lia lịa. Mồm lẩm bẩm liên hồi, hỏi nói gì thì không biết.
Theo các con nhang, bất cứ ai, ở đâu, làm gì nếu có căn số thì cũng đều tìm được đến cửa phủ, đều hóa thành con nhang. Trước khi là con nhang, họ thường có người nhà, bạn bè thân thích hay rủ đi xem hầu, chia lộc. Những người chưa hề biết hầu bóng là gì mà vẫn theo thì gọi là bắt đồng nổi. Vinh cũng là kẻ bị bắt đồng nổi.
Vinh kể, năm 14 tuổi cậu là một học sinh nhút nhát, lực học trung bình. Một lần cô giáo gọi lên bảng, Vinh không trả lời câu hỏi mà chằm chằm nhìn cô phán linh tinh. Từ đó Vinh liên tục xem bói cho bất cứ ai dù không được nhờ, không được tiền. Vinh bảo khi đó miệng cứ nói nhưng trong đầu rỗng không, chẳng hề suy nghĩ gì, đầu óc không chỉ huy được miệng... Vinh bỏ ăn, bỏ học, sinh hoạt thất thường. Có người bảo đi cúng, thày nói: Vinh bị bắt đồng nổi, đáng ra có phúc được hưởng lộc nhưng vì phát tiết bừa bãi, không làm lễ cúng xin nên bị thu phép, không xem bói được nữa. Tuy nhiên để sống yên ổn thì phải ra phủ hầu đồng...
Có cô gái ở phố Bạch Đằng là dân buôn bán dạt lên Hà Nội, từ bé đến lớn chưa từng biết cửa đền, chùa hay thắp hương, khấn vái bao giờ. Thế mà cô gặp một ông thày bói, ông này hướng dẫn có 3 ngày (bình thường mọi người là ba năm) cô gái vô thần này ra phủ, lên điện múa như một con nhang sành điệu lâu năm. Mấy ông thày bói vẫn cứ phán với các con nhang rằng, ông này có căn, bà kia có căn, mà đã có căn là phải hầu đồng.
Thầy làm lễ sang khăn cho con nhang với khá nhiều thủ tục khắt khe và cung văn sẽ thỉnh văn (hát). Khi đã là con nhang thì một năm ít nhất phải hầu một lần. Tất cả những lễ trọng, nhất là trong tháng tiệc (tiệc của thần linh) nhất định không được bỏ. Đó là: tháng Giêng đi chùa Hương, lên Lạng Sơn hầu cô Bắc Lệ, quan Giám sát, vào Tam Thanh (Lạng Sơn) hầu Thánh mẫu... tháng hai lên Tuyên Quang hầu cô bé Minh Nương, cô Cấm; tháng ba về Phủ Giày (Nam Định) hầu tiệc Mẫu, tháng mười vào Bến Thuỷ (Nghệ An) hầu ông Hoàng Mười... Khi đã có đồng thì kiêng thịt chó, kiêng tỏi. Cũng từ đó tất cả mọi hay dở, họa phúc ở đời người ta đều cho là tại sự hầu hạ người mang căn của mình đã chu đáo hay chưa.
Nếu xét đơn thuần là một hình thức sinh hoạt văn hóa thì hầu bóng ở Hà Nội khá hổ lốn, pha tạp. Từ con nhang, chủ điện đến người hầu đều tâm niệm và sùng tín những cô, cậu cách đây hàng mấy trăm năm nhưng trong lễ hầu họ lại mời cô, cậu hút thuốc 555, xì gà; uống bia lon, ăn ô mai... những sản phẩm của cơ chế thị trường vừa kém văn minh vừa hại sức khỏe.
Trong vấn hầu, người quan trọng thứ hai là hầu dâng, tất cả mọi cử chỉ đều cúi đầu dâng, đỡ rất thành kính nhưng anh ta vẫn đeo điện thoại bên người và thỉnh thoảng cúi xuống gầm điện vừa nói vừa cười rất tự nhiên. Đặc biệt là lời hát của cung văn, ngoài những lời cổ nói về sự tích, hành trạng, công đức... của các vị thánh, thần thì mỗi đoàn đều thêm những kiểu nhạc, khúc đoạn lời lẽ khác nhau theo ý thích.
Ví dụ, đang hát giọng hầu họ xoay sang vọng cổ, ví dặm hay quan họ, thậm chí cả nhạc đỏ. Có đoạn nói về cậu Hoàng nào đó từ giã quê hương đi đánh giặc thì cung văn hát: "Trước lúc đi xa cậu muốn nghe một câu hò ví...". Trong trang trí cũng vậy, điện thì vẽ cảnh thủy cung, điện thì vẽ không trung, cảnh nhà chóp hiện đại lẫn cung đình cổ điển... rất bát nháo.
Các con nhang khẳng định, 90% đàn ông nếu làm chủ điện, cung văn hay hầu dâng thì đều hóa thành đồng cô (người có đồng nhưng mang căn cô. Chỉ người nam giới mang nữ tính). Họ thường ăn nói ẻo lả, đi lại õng ẹo không bao giờ yêu người khác giới hay nếu có vợ thì cũng bỏ. Móng chân móng tay để dài, sơn đỏ và đặc biệt rất thích đồ dùng phụ nữ...
Đồng cô làm hầu dâng thường chia hai đẳng cấp sang hèn rõ rệt. Cấp sang thì tiền thưởng, tiền lộc rất cao, ai có nhiều tiền mới mời được. Có hầu dâng chạy sô mỗi ngày 3-4 vấn hầu, mỗi vấn mang về vài chục triệu đồng, sắm nhà, xe SH, đeo đầy vàng ngọc. Mùa tiệc, ngày giáp Tết, đầu năm thì các hầu dâng, cung văn hạng sang chạy sô hàng mấy trăm km một ngày, hơn cả những ca sĩ nhạc trẻ. Hầu dâng cấp thấp thì làm không đủ ăn.
Đồng cô thường tập trung thành từng nhóm, cặp nhau thành từng đôi sống như tình nhân. Họ chí chóe cấu véo, bấu chí nhau ngay trước điện mà không hề ngại. Sở thích là đeo trang sức và đánh bài ăn tiền. Giới đồng cô còn một nguồn thu khá cao khác là buôn nhẫn ngọc bán cho các con nhang là những quý bà hâm mộ họ. Nhiều đồng cô có cả một túi nhẫn mà theo lời người này thì giá tiền tỷ để bán dần.
Không ít các đồng cô cấu kết với các hiệu vàng, các đường dây buôn đá quý để làm ăn. Tất nhiên các con nhang là khách hàng thường rất nhiều tiền, thành kính và không bao giờ dám thử xem nhẫn ngọc thật hay giả, giá đắt hay rẻ. Có con nhang đã bỏ ra 20 triệu mua phải chiếc nhẫn ngọc bằng... nhựa Trung Quốc nhưng không dám báo công an, thậm chí không dám nói lại với gã đồng cô nọ...
Một vấn hầu nổi tiếng lớn bởi người hầu là một mệnh phụ phu nhân đức cao vọng trọng, con nhang đông kín điện và ai cũng giàu sang, chức tước. Còn cung văn có giọng hát mượt mà, óng ả và réo rắt khác thường lại là một nghệ sĩ hát chèo danh tiếng nhất trên sân khấu, trên tivi và trong lòng người hâm mộ. Cũng áo chùng, bôi son, trát phấn và anh hát say mê không khác gì đang biểu diễn ngoài đời. Tiền lộc ném ra nhiều như nước, không có loại dưới 200.000 đồng và hình như có cả tiền Mỹ...
Vinh nói, nghệ sĩ này 5 năm trước nhiều lộc vô kể, nay đã kém thiêng nhưng một vấn hầu cũng phải đem về ít nhất 30 - 50 triệu đồng. Các nghệ sĩ làm cung văn cho đồng bây giờ rất nhiều, toàn ở các nhà hát Chèo, Tuồng, "giờ hành chính" là ở điện, phủ chứ không phải ở sân khấu; bầu sô là các chủ điện, chủ nhang, và danh tiếng trong con nhang chứ không phải dân chúng.
Nghệ sĩ ở các đoàn nghệ thuật cấp tỉnh, huyện đi hát cho đồng đền nay cũng rất nhiều. Khi con nhang của xã hội đông dần, người giàu ra phủ ngày một tăng thì nhu cầu kén cung văn nổi tiếng không chỉ trên chiếu điện mà phải cả trên sân khấu cũng trở nên "sốt". Có nghệ sĩ nổi tiếng ra giá cho một vấn hầu cao nhất lên tới 200 triệu đồng. Nay các nghệ sĩ khác theo chân anh rất nhiều, giá một vấn hầu của họ không bao giờ dưới tiền triệu.
Theo lời Vinh, nghệ sĩ đi hát hầu là vì họ cũng như người khác, đó là có căn thì phải đi hầu. Khi đi hầu họ có nghề thì họ hát. Thời kinh tế thị trường các quan lớn, bà lớn lên điện thường tìm cung văn sang trọng, hát hay nên họ không tiếc tiền bỏ ra mời gọi. Các nghệ sĩ nhạc cổ truyền thường thu nhập không cao gặp phải những "sô" diễn bằng nửa năm lăn lộn họ càng bị hấp dẫn. Nhiều nghệ sĩ hát mãi thành có căn và cũng phải ra phủ, lên hầu như bao con nhang khác... Họ bảo, làm nghệ sĩ cho đời mà bạc quá thì làm con hát cho cõi âm lại nhẹ mình.
Theo An ninh Thủ đô