Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang có mặt ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thuỵ Sỹ bày tỏ sự nghi ngại về các vòng đàm phán thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn hai. Trong đó, hai vấn đề hóc búa nhất có thể cản trở tiến trình đàm phán này là thuế quan của Mỹ áp lên hàng Trung Quốc vẫn còn và Bắc Kinh thực hiện cam kết mua hàng Mỹ nhiều hơn.
Một lãnh đạo doanh nghiệp gần gũi với Trump cho biết, các quan chức thương mại Trung Quốc nói rằng họ hy vọng tất cả thuế quan sẽ được gỡ bỏ trước khi có thỏa thuận thương mại mới.
Thỏa thuận giai đoạn hai dự kiến sẽ dẫn đến việc bãi bỏ phần thuế quan lên hàng tỷ USD hàng Trung Quốc mà ông Trump lần lượt áp lên kể từ năm 2018. Ông nói rằng có thể sẽ đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống để đặt bút ký thỏa thuận giai đoạn hai. Trong khi đó, Nhà Trắng vẫn chưa xác nhận một lộ trình nào rõ ràng.
Đang có mặt tại Davos, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với tờ The Wall Street Journal rằng thỏa thuận tiếp theo có thể loại bỏ một số nhưng không phải tất cả mức thuế.
CNBC cho rằng, hoài nghi quanh thỏa thuận giai đoạn hai có thể chi phối các buổi thảo luận của những CEO với quan chức Nhà Trắng tại Davos, trong bối cảnh ông Trump đang chạy đua tái tranh cử trong những tháng tới.
Bởi lẽ, không rõ số phận của thỏa thuận tiếp theo sẽ ra sao nếu Trump không tiếp tục đắc cử. Đảng Dân chủ đang có hàng chục ứng viên muốn tranh chiếc ghế tổng thống sắp tới, bao gồm cựu Phó tổng thống Joe Biden, Bernie Sanders, Elizabeth Warren, cựu thị trưởng Pete Buttigieg và Mike Bloomberg.
"Không ai nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra", Ian Bremmer, Chủ tịch của công ty tư vấn chính trị Eurasia Group, nói với CNBC sau khi được hỏi về tương lai các cuộc đàm phán. "Tôi sẽ thực sự sốc khi thấy thỏa thuận giai đoạn hai hoàn tất trước bầu cử", ông nói thêm và nhấn mạnh rằng một trong những rào cản khiến thỏa thuận mới khó đạt được là Trung Quốc sẽ không mua hàng Mỹ nhiều như đã hứa.
Thỏa thuận giai đoạn một yêu cầu Trung Quốc tăng cường mua các sản phẩm, dịch vụ năng lượng và nông sản của Mỹ ít nhất 200 tỷ USD trong hai năm. Nó cũng bao gồm các quy định về không tiến hành trộm cắp tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ.
Trong bài phát biểu hôm thứ ba tại Davos, Trump tái khẳng định việc thuế quan đối với Trung Quốc sẽ được giữ nguyên và lưu ý rằng các rào cản thương mại này là một công cụ đàm phán quan trọng.
"Những thành tựu này sẽ không đạt được nếu không dùng các biện pháp thuế quan", ông Trump nói. "Đó là lý do tại sao hầu hết mức thuế của chúng tôi đối với Trung Quốc sẽ được giữ nguyên trong suốt quá trình đàm phán giai đoạn hai", ông khẳng định.
Giám đốc điều hành Citigroup Michael Corbat tin rằng các mức thuế còn lại với Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh tiếp tục đàm phán. Nhưng ông lưu ý rằng Trump sẽ chịu áp lực bởi các CEO và Quốc hội để đạt được thỏa thuận giai đoạn hai, nếu ông ấy tái đắc cử.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy thỏa thuận giai đoạn hai trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống này. Nhưng tôi nghĩ nếu ông ta tái đắc cử, một số người sẽ cố gắng thúc ông ta hoàn tất thỏa thuận", ông Michael Corbat nói.
Ray Dalio, người đứng đầu quỹ phòng hộ Bridgewater Associates cũng nghĩ vậy. Thậm chí, ông còn không cho rằng thỏa thuận giai đoạn một là thành tựu lớn trong bổi cảnh tình hình tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa hai nước.
"Tôi nghĩ rằng nó (thỏa thuận giai đoạn một) nhỏ thôi và gần như không quan trọng, trong toàn bộ phạm vi của vấn đề", ông nói.
Chủ tịch AFL-CIO Richard Trumka, một người ủng hộ thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ mới của Trump, thậm chí còn "dội gáo nước lạnh" vào những hy vọng. Ông nói với CNBC rằng không tin thỏa thuận thương mại giai đoạn hai với Trung Quốc sẽ là ưu tiên của chính quyền Trump trong thời gian tới.
Phiên An (theo CNBC)