"Lập trình cấp độ như con người của máy móc vẫn còn cách xa nhiều năm ánh sáng", nhà khoa học máy tính Dzmitry Bahdanau tại Viện AI Mila (Canada) viết trên Twitter khi nhắc đến AlphaCode. Công cụ AI này do DeepMind sản xuất, được tuyên bố có thể tự lập trình với "chuyên môn của một lập trình viên bình thường".
Để đưa ra kết luận, DeepMind cho biết đã kiểm tra khả năng của AlphaCode trong một cuộc thi viết code trên Codeforces. Đây là nền tảng chuyên đào tạo kỹ năng của hàng chục nghìn lập trình viên phần mềm trên khắp thế giới, cũng như tổ chức các cuộc thi để họ cạnh tranh với nhau.
Trích dẫn chính số liệu của Codeforces, Bahdanau nói AlphaCode thu hút sự chú ý của ông, nhưng để đạt đến khả năng lập trình như người thường thì chưa. "Hệ thống AlphaCode xếp sau tới hơn 54,3% số người tham gia, hầu hết lại là sinh viên trung học, đại học - những người đang trau dồi kỹ năng giải quyết vấn đề", Bahdanau nhận xét. "Một người bình thường có thể dễ dàng rèn luyện để làm tốt hơn AlphaCode".
Một chuyên gia về AI khác nói với CNBC rằng AlphaCode là thành tựu kỹ thuật ấn tượng, nhưng cần phân tích cẩn thận về loại nhiệm vụ lập trình mà nó đảm nhiệm, bởi có những cái thực hiện tốt và những cái khác thì không. Theo người này, các công cụ lập trình dựa trên AI như AlphaCode có thể thay đổi phần nào bản chất của lĩnh vực phát triển phần mềm, nhưng giải quyết vấn đề phức tạp vẫn cần đến con người.
Gary Marcus, giáo sư AI tại Đại học New York, cũng đồng tình. "Bạn nên nghĩ về AlphaCode và các công cụ tương tự như trợ lý cho lập trình viên, như cách một chiếc laptop hỗ trợ giáo viên giảng dạy vậy", Marcus nói. "Nó không phải là thứ có thể thay thế một lập trình viên thực sự. Chúng ta cần nhiều thập kỷ nữa mới đạt được điều đó".
AlphaCode không phải là công cụ AI đầu tiên có thể tự lập trình. Tháng 6 năm ngoái, Microsoft và công ty con GitHub ra phần mềm GitHub Copilot nhằm hỗ trợ lập trình viên bằng cách phân tích mã hiện có, tạo các đoạn mã mới và bổ sung mã cho các đoạn code lỗi. Tháng 9/2021, phần mềm Codex AI của OpenAI có thể tự lập trình bằng 12 ngôn ngữ. OpenAI là một trong những phòng nghiên cứu tham vọng nhất thế giới và từng nhận đầu tư một tỷ USD năm 2019.
Nat Friedman, CEO GitHub, mô tả GitHub Copilot như một phiên bản cộng sự ảo của nhà phát triển, cùng làm việc song song với nhau trong cùng một dự án. Ông cho biết GitHub Copilot giúp viết mã nhanh hơn và ngày càng nhiều người chấp nhận đề xuất của nó.
Samim Winiger, một nhà nghiên cứu AI ở Berlin, nói ngay cả lập trình viên giỏi nhất thế giới không thể tạo ra "code hoàn hảo". Tuy nhiên, ông cho rằng con người có thể xây dựng hệ thống "thất bại ở mức an toàn và "có trách nhiệm giải trình", còn máy móc không thể có khả năng này.
Bảo Lâm (theo CNBC)