Theo báo cáo Thượng viện Mỹ công bố hôm 9/12, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã sử dụng nhiều biện pháp thẩm vấn tàn bạo đối với các nghi phạm khủng bố bị bắt sau vụ tấn công 11/9/2001, trong đó có trấn nước, cô lập, đánh đập... Báo cáo cho rằng CIA đã đánh lừa giới chức Mỹ và công chúng rằng những biện pháp trên giúp họ thu thập thông tin để cứu sống nhiều người khác.
Zeid Raad al-Hussein, ủy viên cấp cao Hội đồng Nhân quyền LHQ, cho rằng tất cả các quan chức cấp cao Mỹ và nhân viên CIA, những người cấp phép hoặc tiến hành các hình thức tra tấn trên, phải bị truy tố. Ông nói rằng Mỹ, nước đã thông qua Công ước Chống tra tấn của LHQ năm 1994, có nghĩa vụ phải giải trình về sự việc.
Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền và chống khủng bố của Liên Hợp Quốc Ben Emmerson cũng cho rằng các quan chức cấp cao trong chính quyền tổng thống Mỹ George W Bush, các quan chức CIA chịu trách nhiệm cho các biện pháp tra tấn như trấn nước phải bị truy tố.
"Theo luật quốc tế, Mỹ có trách nhiệm pháp lý phải đưa những người chịu trách nhiệm ra công lý", ông Emmerson đưa ra tuyên bố từ Geneva. "Bộ trưởng tư pháp Mỹ cũng có trách nhiệm pháp lý đưa ra các cáo buộc hình sự đối với những người chịu trách nhiệm".
Giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền Kenneth Roth cũng cho rằng hành động của CIA là tội ác và "không thể biện minh".
Ông cho rằng "nếu tiến trình nói lên sự thật quan trọng này không dẫn đến việc truy tố, thì tra tấn sẽ vẫn là 'lựa chọn chính sách' cho các tổng thống trong tương lai".
Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU) cho rằng bộ trưởng tư pháp phải chỉ định một công tố viên đặc biệt để tiến hành một cuộc điều tra toàn diện.
Tổng thống Mỹ Obama hôm qua bày tỏ hi vọng việc công bố báo cáo sẽ không khơi lại một cuộc chiến với những cáo buộc đã cũ, nhưng "giúp chúng ta bỏ lại những biện pháp thẩm vấn đã thuộc về quá khứ". Ông Obama đã cấm các biện pháp thẩm vấn hà khắc sau khi lên nắm quyền năm 2009.
Theo BBC, khả năng truy tố các thành viên của chính quyền Bush gần như là không thể, do bộ tư pháp Mỹ cho rằng họ đã tiến hành hai cuộc điều tra về việc đối xử tàn bạo với các tù nhân từ năm 2000 và kết luận các bằng chứng không đủ để truy tố.
Thượng nghị sỹ có ảnh hưởng của đảng Cộng hòa John McCain cho rằng tra tấn "gần như không thu được thông tin tin cậy" và thậm chí trong cuộc truy lùng trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden, đầu mối quan trọng nhất đến từ "những biện pháp thẩm vấn thông thường".
CIA biện minh, nhiều nước lên án
Một số nghị sỹ Cộng hòa Trong Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ đã ra báo cáo, cho rằng báo cáo của Thượng viện có "phương pháp phân tích sai", "mục đích không phù hợp" và "những cân nhắc chính trị".
CIA cho rằng các biện pháp thẩm vấn đã giúp cứu sống nhiều người. "Thông tin lấy được từ chương trình đóng vai trò quan trọng cho việc thấu hiểu al-Qaeda và tiếp tục thông tin cho nỗ lực chống khủng bố của chúng ta hôm nay", giám đốc CIA John Brennan cho biết.
Khi đưa ra báo cáo trước Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Dianne Feinstein cho rằng hành động của CIA là "vết nhơ trong lịch sử Mỹ".
Sau khi báo có được đưa ra, một số nước được cho là địa điểm diễn ra các cuộc tra tấn của CIA đã có phản ứng. Cựu tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski lần đầu tiên công khai thừa nhận nước ông có một nhà tù bí mật của CIA và ông đã yêu cầu chính quyền tổng thống Bush ngừng các phương pháp thẩm vấn tàn bạo vào năm 2003.
Thủ tướng Lithuanian Algirdas Butkevicius kêu gọi Mỹ cho biết liệu CIA có dùng nước này để thẩm vấn tù nhân hay không.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani gọi báo cáo là " sốc" và hành động của CIA vi phạm tất cả những chuẩn mực nhân quyền được chấp nhận trên thế giới.
Các nước khác như Đức, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran cũng lên án các biện pháp thẩm vấn tàn bạo của CIA.
Anh Ngọc-Thùy Trang