NY Times ngày 2/11 dẫn lời một số quan chức cấp cao giấu tên nêu một bản đánh giá của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, trong đó cho hay "các tướng Nga đã thảo luận về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường Ukraine ra sao và trong điều kiện nào".
Một số quan chức trong Nhà Trắng bày tỏ lo lắng sau khi xem báo cáo, cho rằng tài liệu "cung cấp cái nhìn hiếm hoi về các cuộc đối thoại giữa tướng lĩnh cấp cao của Nga, phản ánh nỗi giận dữ ngày càng tăng của họ đối với tổn thất trên chiến trường Ukraine". Các quan chức Mỹ lo ngại nỗi tức giận này có thể biến thành "hành động tuyệt vọng" liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Vài quan chức đặt câu hỏi rằng sau khi sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, Nga có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ" hay không.
Mỹ gần đây theo dõi chặt chẽ hoạt động của Nga quanh thành phố Kherson, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền nam Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập. Trong những tuần qua, Ukraine cố gắng mở các đợt phản công để giành lại thành phố Kherson, song đều bị lực lượng Nga đẩy lùi. Giới chức Nga gần đây yêu cầu cư dân Kherson sơ tán.
Mỹ lo ngại rằng nếu Ukraine tái kiểm soát Kherson, đó sẽ là "thất bại nhục nhã với Nga" và có thể khiến Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo báo cáo của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ.
Các nguồn tin của CNN cũng xác nhận họ đã được đọc bản đánh giá tình báo này. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói với CNN rằng báo cáo là một bản phân tích, không phải tài liệu tổng hợp dữ liệu tình báo.
Họ cho rằng cuộc trao đổi giữa các tướng Nga về kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân mà tài liệu này đề cập có thể đã bị đưa ra ngoài ngữ cảnh và không nhất thiết cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Các quan chức cho biết tình báo Mỹ đến nay chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào chỉ ra rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt về sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Putin cũng được cho là không tham gia cuộc thảo luận của các tướng Nga được đề cập trong đánh giá do Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ thực hiện.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường. Chúng có sức công phá 10-100 kiloton, trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược có sức công phá 500-800 kiloton.
Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân chiến thuật vẫn có thể gây thiệt hại sinh mạng rất lớn. Hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945 có sức công phá lần lượt là 15 và 21 kiloton, khiến khoảng 200.000 người thiệt mạng.
Truyền thông Mỹ từng đưa tin các quan chức nước này cho rằng khả năng ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine "đang ở mức cao nhất" kể từ khi chiến sự bùng phát hồi tháng 2, song Nga chưa có dấu hiệu thực hiện điều này. Họ cho rằng nếu sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, Nga sẽ khiến thế giới phẫn nộ, cũng như kích hoạt biện pháp trả đũa của Mỹ và NATO.
"Tôi không có bất cứ bình luận chi tiết nào về báo cáo này", quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết. "Ngay từ đầu, chúng tôi nhận định rõ ràng rằng những tuyên bố của Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân rất đáng quan ngại và chúng tôi xem xét chúng nghiêm túc. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ nhất có thể và chưa thấy dấu hiệu Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân".
Nga chưa bình luận về báo cáo của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/11 tuyên bố học thuyết hạt nhân của nước này chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân cho mục đích phòng thủ, cũng như các hướng dẫn nghiêm ngặt "theo đuổi mục đích duy nhất là phòng thủ".
Cơ quan này cho biết Nga sẽ "sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với hành vi gây hấn liên quan việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa tồn vong của đất nước".
Bất đồng giữa các quan chức Mỹ về báo cáo của Hội đồng Tình báo Quốc gia cho thấy nước này đối mặt nhiều khó khăn trong xác định liệu ông Putin có ý định dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine hay không. Các quan chức Mỹ cho rằng chỉ có Tổng thống Putin biết ông đang nghĩ gì.
Mối lo ngại gia tăng sau khi Tổng thống Putin hồi tháng 9 cảnh báo rằng "trong trường hợp toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa, để bảo vệ nước Nga và nhân dân Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng mọi hệ thống vũ khí có sẵn, đây không phải trò đùa".
Nguyễn Tiến (Theo CNN)