Theo Guardian, 5 năm trở lại đây, nhiều ca sĩ sống tốt nhờ phát triển mạnh hàng hóa đi kèm các sản phẩm âm nhạc. Mới nhất, trong buổi biểu diễn tại O2 ở London vào tháng 8, Travis Scott đã bán được 1 triệu USD hàng hóa tại các buổi hòa nhạc này, gồm mũ lưỡi trai 45 bảng và áo hoodie 125 bảng, vượt qua kỷ lục trước đó của BTS năm 2019. Rapper cũng thành công thành công khi bán sạch vé (giá 180 bảng) trong vòng chưa đầy hai giờ.
Hồi tháng 7, khi ra mắt album Renaissance, Beyoncé tạo ra những chiếc hộp dành cho các fan, bên trong có sẵn một đĩa CD và áo phông in hình ca sĩ. Năm 2019, Billie Eilish tung ra loạt quần áo quá khổ - phong cách đặc trưng của cô - bán cho người hâm mộ. Năm 2017, khi biểu diễn tại lễ hội âm nhạc Lovebox, Frank Ocean đã lập một gian hàng cho phép người hâm mộ tự in áo phông với hình nghệ sĩ mà họ yêu mến. Hoạt động này được nhiều người yêu thích tới mức ban tổ chức phải sớm đóng gian hàng vì hết mực in.
Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Liz Lawrence đã sản xuất các mặt hàng phụ kiện thời trang trong 5 năm qua. Với album The Avalanche ra mắt năm 2021, cô tung ra túi tote và áo phông đi kèm. "Hàng hóa hiện là một phần quan trọng trong cách tôi kiếm sống khi xem xét đến ngân sách lưu diễn", cô nói với Guardian.
Hàng loạt công ty chuyên sản xuất hàng hóa âm nhạc ra đời để phục vụ nhu cầu của nghệ sĩ. Công ty Bravado có trụ sở tại Los Angeles đã sản xuất hóa cho Travis Scott, Billie Eilish, Rolling Stones và The Weeknd. Ceremony of Roses do doanh nhân thời trang và âm nhạc Brad Scoffern thành lập năm 2016, thu được các hợp đồng sản xuất hàng hóa cho Adele, Olivia Rodrigo và A$AP Rocky. Sandbag của Anh đã có nhiều năm làm đồ cho lễ hội âm nhạc Radiohead, BTS, Abba và Justice.
Jordan Gaster, người đứng đầu bộ phận A&R tại Sandbag, cho biết hàng hóa đã trở thành mặt hàng ưu tiên hơn nhiều trong 10 năm qua. "Các nghệ sĩ hiện nay đang kiếm được nhiều tiền hơn từ phụ kiện thời trang so với thu âm các ca khúc".
Theo một báo cáo của Licensing International, năm 2018, mặt hàng này có doanh số bán lẻ toàn cầu trị giá 3,5 tỷ USD. Trong thời dịch, xu hướng này được cho là giúp các nghệ sĩ trang trải cuộc sống khi nguồn thu nhập từ các hợp đồng biểu diễn trực tiếp biến mất. Nền tảng mua sắm Everpress cho biết doanh số bán hàng tăng gấp đôi trong đại dịch và ước tính rằng khoảng 25% áo phông mà họ bán là của các nghệ sĩ hoặc hãng thu âm.
Hàng hóa âm nhạc cũng trở thành xu hướng mốt được các hãng thời trang nhanh nhạy bắt kịp. 10 năm qua, các thương hiệu bao gồm Balenciaga, Louis Vuitton và Acne đã tung ra những phiên bản áo phông của các ban nhạc vào bộ sưu tập trên sàn diễn, rao bán với giá đắt đỏ. Primark và Urban Outfitters bán áo phông của nhóm Fleetwood Mac, The Doors cho các fan trẻ tuổi. Nhóm Metallica đã hợp tác với Netflix tạo ra chiếc áo phông kết hợp logo của họ với logo của Hellfire Club trong phim Stranger Things.
Hàng hóa âm nhạc còn được săn đón ở thị trường bán lại. Trên Instyle, đại diện trang web bán đồ secondhand - StockX - cho biết một chiếc áo sweatshirt Kids See Ghosts thuộc dự án năm 2018 của Kanye West và Kid Cudi, thường được bán với giá cao hơn 533% so với giá gốc. Derek Morrison, phó chủ tịch StockX, nhận xét giá trị cao của những mặt hàng cũ này cho thấy tầm ảnh hưởng lớn của các nghệ sĩ. Khán giả không chỉ mua vé tới xem buổi trình diễn mà còn muốn lưu giữ, ăn mặc, sử dụng đồ đạc mang dấu ấn của thần tượng.
Ngành kinh doanh hàng hóa âm nhạc từng manh nha ở các thập niên trước. Trong phim Elvis của đạo diễn Baz Luhrmann, Đại tá Parker - quản lý của danh ca Elvis Presley - từng sản xuất và bán huy hiệu I Hate Elvis giữa những năm 1950. Năm 1964, The Beatles tận dụng sức hút của họ để bán các con búp bê Ringo. Quản lý Brian Epstein của nhóm nhạc cho biết trong năm đó, họ nhận được 46% lợi nhuận từ việc bán hàng. Tương tự, năm 1971, Rolling Stones bán áo phông có khóa kéo như hình trên bìa album, kèm phát hành album Sticky Fingers. Hiện chiếc áo được rao bán trên eBay với giá 685 bảng.
Sao Mai