Các nhà khoa học phát hiện gió với tốc độ lên đến 1.450 km/h ở gần cực sao Mộc - hành tinh thứ 5 tính từ Mặt Trời, Cnet hôm 18/3 đưa tin. Sao Mộc có điều kiện gió khắc nghiệt, nhưng giới chuyên gia mới chỉ nắm được rất ít thông tin về phần giữa của khí quyển hay tầng bình lưu.
Thông thường, họ có thể ước tính tốc độ gió bằng cách theo dõi mây chuyển động. Tuy nhiên, tầng bình lưu của sao Mộc hoàn toàn vắng bóng mây, không giống những tầng khí quyển khác. Nhóm nghiên cứu phải đo tốc độ gió nhờ vụ va chạm của hành tinh này với sao chổi Shoemaker-Levy năm 1994.
Vụ va chạm khiến những phân tử hydro xyanua xuất hiện trong tầng bình lưu của khí quyển sao Mộc. Các nhà khoa học sử dụng hệ thống kính viễn vọng ALMA (Chile) để theo dõi chúng. Kết quả, họ phát hiện những luồng khí mạnh bên dưới cực quang có tốc độ nhanh gấp đôi cơn bão Vết Đỏ Lớn nổi tiếng trên sao Mộc và gấp ba lần những cơn lốc xoáy mạnh nhất Trái Đất.
"Những luồng khí này có thể hoạt động giống một cơn lốc xoáy khổng lồ với đường kính gấp 4 lần Trái Đất và cao tới 900 km", nhà thiên văn Bilal Benmahi tại Phòng thí nghiệm Vật lý thiên văn Bordeaux (Pháp), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
"Một cơn lốc xoáy với kích thước như vậy sẽ là 'quái vật khí tượng' độc nhất trong hệ Mặt Trời", Thibault Cavalié, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận xét. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Astronomy and Astrophysics.
Việc phát hiện gió mạnh ở phần giữa khí quyển sao Mộc khiến các nhà khoa học ngạc nhiên vì họ dự đoán vận tốc gió ở độ cao này yếu hơn nhiều. Nhóm nghiên cứu hy vọng các tàu vũ trụ bay đến sao Mộc trong tương lai, ví dụ tàu JUICE của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), sẽ giúp quan sát hành tinh này chi tiết hơn.
Thu Thảo (Theo Cnet)