Với tư cách là một người dân, cá nhân tôi cảm thấy hết sức vui mừng, vì từ ngày nhậm chức đến nay, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thể hiện được sự tâm huyết của mình đối với ngành giao thông nước nhà, đặc biệt là đối với thực trạng giao thông tại các thành phố lớn, đang là nỗi bức xúc của rất nhiều người dân. Các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông liên tục được đưa ra.
Đương nhiên không phải tất cả các giải pháp được áp dụng hoặc dự kiến áp dụng đều có thể mang lại hiệu quả tốt nhất như mong đợi. Tuy nhiên, việc liên tục đưa ra các giải pháp cũng cho thấy nỗ lực hết sức của các nhà lãnh đạo ngành nhằm cải thiện thực trạng giao thông tại Thủ đô. Chính vì vậy, thay vì chúng ta nhằm vào khen hay chê, thì mỗi người chúng ta hãy cố gắng đóng góp ít nhất một giải pháp mà mình cho là hợp lý. Tôi tin rằng, nhiều ý tưởng cùng hướng đến một mục đích, thì kiểu gì chúng ta cũng tìm ra được một ý tưởng hay nhất, khả thi nhất.
Tôi thấy đề xuất đổi giờ làm việc cũng rất hay. Không nhất thiết tất cả các cơ quan, công sở, trường học đều phải bắt đầu và kết thúc công việc vào cùng một giờ cố định. Tôi có cơ hội được đi một vài nước phát triển, và tôi thấy ở đó họ áp dụng giờ làm việc hết sức linh hoạt, hệ thống chấm công tự động, đơn giản, dễ áp dụng. Dựa trên kinh nghiệm của họ, tôi đưa ra giải pháp của mình, cụ thể như sau:
1. Giờ làm việc ở công sở, nhà máy (đối với cán bộ, nhân viên các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân) thay vì tất cả mọi người trong công sở đều phải có mặt vào lúc 7h30-8h00, thì nên chăng khoảng thời gian có thể bắt đầu công việc sẽ linh hoạt từ 7h30 đến 9h00, nhưng không muộn quá 9h30. Ai đến sớm về sớm, ai đến muộn về muộn, miễn sao đủ 8 tiếng một ngày (chưa bao gồm 1 tiếng nghỉ trưa). Số giờ làm việc được máy đo đếm. Mỗi lần ra vào cửa từ, phải quẹt thẻ, máy tự động tính giờ. Như vậy thì mỗi người có thể chủ động sắp xếp thời gian cho công việc ở cơ quan/công ty và việc riêng của mình, đồng thời không dồn lượng người đi quá đông trên đường vào cùng một thời điểm.
2. Giờ học ở các trường tiểu học, phổ thông, đại học cũng nên đa dạng, không trùng nhau để tránh tắc đường. Tuy nhiên, giờ học nên bắt đầu sớm hơn giờ làm việc ở công sở, để bố mẹ nào phải đưa con đi học thì vẫn kịp giờ làm. Chẳng hạn, giờ học có thể bắt đầu từ 7h00 đến 8h30. Mỗi trường quy định một giờ vào học cụ thể. Không nhất thiết các trường phải quy định giờ học giống nhau.
Tuy nhiên, giờ vào học ở các trường mẫu giáo, tiểu học nên bắt đầu sớm hơn. Các trường phổ thông, đại học bắt đầu muộn hơn. Vì đúng như ý kiến của một độc giả, học sinh phổ thông, đại học có thể tự chủ động đi đến trường, chỉ các cháu mẫu giáo và học sinh tiểu học mới cần bố mẹ đưa đi học. Do đó, giờ học ở các trường mẫu giáo, tiểu học bắt đầu sớm hơn để bố mẹ có thể đưa con đi học mà vẫn kịp giờ làm của mình.
Giờ kết thúc ở các trường mẫu giáo, tiểu học cũng nên linh hoạt, muộn hơn một chút so với giờ kết thúc tại công sở, để bố mẹ có thể đi đón các cháu. Các cháu có thể kết thúc giờ học sớm hơn, chẳng hạn vào lúc 4h30 chiều, tuy nhiên từ lúc 16h30 đến 18h30 nên chăng có một vài hoạt động ở trường để giữ các cháu ở trường, chờ bố mẹ đến đón. Chẳng hạn, các cháu có thể làm bài tập về nhà hoặc xem tivi, giải trí tùy thích theo sự hướng dẫn của thầy cô hoặc cán bộ, nhân viên của trường. Lúc này cũng không cần quá nhiều thầy cô hay CBNV, mà chỉ cần một vài người trông giữ là được. Các thầy, cô có thể thay nhau trực hàng tuần.
Kết luận: Giờ cao điểm thường xuyên tắc đường là bởi vì nhiều người cùng đi lại trên đường vào cùng một thời điểm. Sắp xếp lại giờ làm việc cũng là một trong những giải pháp không tốn kém mà giúp giảm tắc đường vào giờ cao điểm. Ngoài ra, máy chấm công cũng là một trong những phương tiện hiện đại, làm minh bạch hóa và tạo sự công bằng về giờ làm việc tại các cơ quan, công sở.
Ngoài ra, ý kiến của một bạn độc giả về việc thiết lập các bãi gửi xe đạp ở các trạm xe buýt, tàu điện trên cao cũng là một ý tưởng rất hay. Mặc dù với tốc độ đô thị hóa rất nhanh cùng với sự mọc lên như nấm của các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại, khu đô thị mới... nhưng thực tế là ở Hà Nội vẫn có rất nhiều ngõ, ngách, phố nhỏ mà xe buýt không vào được. Do đó, những người dân sống trong các ngõ, ngách này muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng, mà phải đi bộ xa mới đến được bến xe thì khá bất tiện. Giải pháp đi xe đạp ra bến xe rồi gửi lại đó là rất hợp lý.
Mong rằng những ý kiến chia sẻ của những người dân như chúng tôi có thể giúp ích cho các nhà lãnh đạo đưa ra những giải pháp, sáng kiến tối ưu nhất vì mục đích chung của xã hội. Hy vọng sớm được nhìn thấy Hà Nội - một thủ đô xanh sạch đẹp và không tắc đường.
Thu Trang