Sáng 27/7, tại Nhà tưởng niệm và ghi danh các anh hùng liệt sĩ (Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác, Phú Yên), Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên tổ chức giỗ chung cho hơn 6.200 liệt sĩ được yên nghỉ tại đây. 13 năm trước, lần đầu tiên giỗ chung các liệt sĩ được tổ chức với kinh phí khoảng 5 triệu đồng do một cựu binh là chủ doanh nghiệp đóng góp. Từ đó, vào ngày 26-27/7 hàng năm, nhiều cựu chiến binh là đồng đội và thân nhân của các liệt sĩ đã chuẩn bị mâm cỗ mang đến Nhà tưởng niệm để cúng giỗ, tưởng nhớ người thân.
Cựu binh Nguyễn Trọng Thuận (TP Tuy Hòa), người có sáng kiến tổ chức ngày giỗ chung cho hơn 6.200 liệt sĩ tại nghĩa trang này cho biết, ông tham gia cách mạng năm 1964 khi mới 17 tuổi. 11 năm cầm súng chiến đấu trên các chiến trường của quê hương Phú Yên, ông không thể nhớ đã bao nhiêu lần chứng kiến sự ra đi của đồng đội. "Có người được chôn cất tử tế, để lại họ tên, ngày tháng hy sinh, nhưng không ít người ngay một nấm mồ cũng không", ông Thuận bùi ngùi.
Theo ông Thuận, với những người từng cầm súng bảo vệ tổ quốc không ai không ít lần cận kề cái chết. Sau ngày giải phóng, những người lính còn sống, trở về với gia đình là nhờ có đồng đội ngã xuống "giành lấy cái chết cho mình được sống". Tuy nhiên, những đồng đội "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" ấy không phải ai cũng được cúng giỗ đàng hoàng.
Từ suy nghĩ ấy, tại nhà riêng ở phường 4, TP Tuy Hòa, ông Thuận đặt bàn thờ Tổ quốc ở nơi trang trọng nhất để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sĩ. Dịp Tết cổ truyền hay đến giỗ ông bà của gia đình, ông Thuận đều dành riêng một mâm để cúng đồng đội cùng chung chiến hào với mình đã anh dũng hy sinh.
"Khi kinh tế gia đình ổn định, năm 2000 ông Thuận đặt vấn đề với tôi và rủ thêm vài người nữa tổ chức giỗ các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh vào ngày 27/7. Kinh phí lo mâm cỗ lần ấy do ông Thuận chi", ông Nguyễn Văn Cường, nguyên quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác cho biết.
Những lần giỗ đầu ít ai để ý đến việc làm của ông Thuận nhưng càng về sau càng có thêm nhiều người tình nguyện tham gia. Đến năm 2004, Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên đứng ra làm cơ quan đại diện, tập trung các đầu mối nên những lần giỗ gần đây quy mô lớn dần.
"Hầu hết phần mộ tại nghĩa trang đều được người thân chăm sóc thường xuyên nhưng cũng có phần mộ rất ít hoặc quanh năm không một nén hương do người thân ở xa. Duy trì tổ chức ngày giỗ chung nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ và để không một đồng đội nào yên nghỉ tại đây chịu cảnh lạnh lẽo, không nhang khói", đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phú Yên chia sẻ.
Cũng như mọi lần, ngày giỗ chung cho các liệt sĩ lần thứ 14 này được tổ chức trang trọng trong không khí thiêng liêng, ấm áp với hàng trăm người tham gia góp giỗ. Ngoài những cựu chiến binh, người thân, con cháu liệt sĩ đang ở Phú Yên, còn có không ít người đến từ Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, TP HCM... Chị Phùng Thị Kim Nga, con gái của liệt sĩ Phùng Văn Bình cùng chồng con bay vào từ Hà Nội để thắp hương cho cha. Theo chị, đây là việc làm rất có ý nghĩa, phù hợp với truyền thống, phong tục của người Việt Nam.
"Nghĩa cử này sẽ làm cho cha tôi và những đồng đội của ông rất ấm lòng nơi chín suối", chị Nga nói.
Xuân Hiếu