Cảnh sát cung cấp lời khai của nghi phạm cho hay, Đỗ Văn Minh - Bí thư xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nảy sinh ý định giết cháu vợ, tạo hiện trường giả để vợ con được nhận tiền bảo hiểm, chủ nợ không đòi hơn 10 tỷ đồng.
Nếu thực tế đúng như lời khai này, theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm (IAV), đây là trường hợp giết người để trục lợi bảo hiểm đầu tiên tại Việt Nam. Ông Lâm Minh Chánh, Giám đốc Trường Quản trị Kinh doanh BizUni còn nói, nếu gia đình đã nộp hồ sơ bồi thường lên công ty bảo hiểm, ông Minh còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (gọi là trục lợi bảo hiểm).
Trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi
Trục lợi bảo hiểm hiện có 2 dạng: trục lợi cứng và trục lợi mềm. Trục lợi cứng là hành vi khi một người cố tình lập hồ sơ khiếu nại cho một vụ tổn thất không có thật, tự hủy hoại (tài sản, thân thể...) đề đòi bồi thường.
Trục lợi mềm (trục lợi cơ hội) là việc có sự kiện bảo hiểm xảy ra thật, nhưng người được bảo hiểm kê khai tăng khiếu nại (với bảo hiểm con người là việc ngụy tạo chứng từ để kê khai tăng số ngày nằm viện, các dịch vụ chữa bệnh điều trị mà trên thực tế người được bảo hiểm không sử dụng...).
Theo Phó tổng thư ký IAV Ngô Trung Dũng, tình hình trục lợi bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam những năm gần đây ngày càng tinh vi, quy mô và giá trị ngày càng tăng. Số trường hợp "trục lợi cứng", tức hoàn toàn không có sự cố về sức khỏe nhưng người mua bảo hiểm tự hủy hoại thân thể để được bồi thường ngày càng nhiều.
Năm 2016, một phụ nữ ở Hà Nội thuê người chặt hai tay để yêu cầu bảo hiểm bồi thường 3,5 tỷ đồng. Cách đây hơn một năm, có vụ một người phụ nữ mua gần như cùng lúc 9 hợp đồng bảo hiểm ở 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác nhau. Sau đó khoảng một tháng, người này bị "tai nạn" do dao chặt cụt ngón tay cái. Số tiền bảo hiểm nếu đòi được từ tất cả hợp đồng lên tới vài tỷ đồng.
Giám đốc kinh doanh khu vực miền Trung của một công ty bảo hiểm nhân thọ cho rằng, những vụ trên chỉ là biểu hiện của một trong rất nhiều hình thức của trục lợi bảo hiểm. Hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều phải đối mặt với ít nhất một vài vụ như thế mỗi năm.
Thậm chí, theo ông, không chỉ khách hàng tham gia trục lợi mà một số vụ còn ghi nhận sự thông đồng của nhân viên bảo hiểm. Ví dụ, nhân viên bảo hiểm khi tiếp xúc với khách hàng đã bỏ qua tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, cố tình không tuân thủ những quy tắc do doanh nghiệp đưa ra - ghi sai ngày tham gia bảo hiểm trên giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc thông đồng với khách hàng để ngụy tạo hồ sơ, đánh giá cao mức độ tổn thất hoặc lợi dụng các kẽ hở về giấy tờ, về thủ tục giám định...
"Tôi từng chứng kiến trường hợp khách hàng mua bảo hiểm có anh em sinh đôi, khi một người mất thì người còn lại đã đánh tráo hợp đồng nhằm trục lợi", ông nói.
Khó điều tra, xử lý trục lợi
Ông Ngô Trung Dũng cho rằng, vụ chặt chân tay hay vụ giết người "mượn xác" của ông Minh, công an còn có thể điều tra được chứ không như nhiều vụ trục lợi khác mà ngành bảo hiểm nghi ngờ có dấu hiệu tự hủy hoại thân thể để đòi quyền lợi. Và khi không chứng minh được hành vi trục lợi của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Ông Dũng dẫn một nghiên cứu cho biết, giai đoạn năm 2007-2013, có khoảng 52.860 vụ trục lợi trên 530 tỷ đồng trong bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.
Còn báo cáo của Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) mới đây cũng cho thấy, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả giai đoạn 2007-2014 là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,3% mỗi năm. Tổng số tiền trục lợi giai đoạn này khoảng 850 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây chỉ là những vụ điều tra phát hiện được. Do không đủ thời gian và nguồn lực để điều tra, thẩm tra kỹ càng, các doanh nghiệp chỉ phát hiện được bằng chứng 50% hồ sơ trong số đó.
Một lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính cho biết, thách thức thực sự hiện nay là không dễ chứng minh được khách hàng tự hủy hoại thân thể để kết luận hành vi trục lợi dù đã có chế tài.
Bên cạnh Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, mới đây, hành vi trục lợi bảo hiểm đã được đưa vào quy định tại điều 223, Bộ luật Hình sự sửa đổi. Cá nhân có hành vi trục lợi từ 500 triệu đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tù 5-10 năm.
Trục lợi bảo hiểm diễn ra ở mọi nơi trên thế giới. Ở nước ngoài, nhiều vụ chồng giết vợ, vợ giết chồng, cha mẹ giết con, giả vờ mất tích, "mượn xác"... Do đó, theo ông Ngô Trung Dũng, ở các nước phát triển, nghề thám tử bảo hiểm rất phát triển và thu nhập tốt. Những cảnh sát điều tra, bác sỹ... sau khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác có thể làm rất hiệu quả công việc này.
"Hy vọng ở Việt Nam trong tương lai không xa, Nhà nước cũng sẽ cho phép loại nghề nghiệp này, mang lại sự phát triển lành mạnh cho bảo hiểm - một ngành kinh tế quan trọng tại bất kỳ quốc gia phát triển nào", ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, để đối phó với trục lợi bảo hiểm sức khỏe - hiện tượng khá phổ biến hiện nay, ông Dũng cho biết Chính phủ đã có định hướng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa bảo hiểm y tế xã hội và bảo hiểm y tế thương mại. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố (như các quy định pháp luật hiện tại, sự sẵn sàng của các bên..) nên tiến trình này còn chậm. Một khi các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin của các đơn vị y tế, việc xác minh khả năng trục lợi vẫn xảy ra.
Viễn Thông - Hoàng Thắng