![]() |
Những bát tiết được đặt ngay phía trên chuồng gia cầm. Ảnh: N.H. |
Lúc đoàn kiểm tra đến, nhân viên của cơ sở kinh doanh gia cầm 91 Núi Trúc (phường Kim Mã, Ba Đình) vẫn đang làm gà. Sàn nhà lênh láng nước có lẫn phân và lông. Nhiều con gà đã làm xong được vứt dưới sàn, bên cạnh các lồng gia cầm sống và các thùng đựng phân, phế phẩm. Thấy đoàn, các nhân viên kéo cánh cửa để gạt đám gà đã vặt lông trên sàn vào phòng trong để cất giấu. Tất cả họ không ai mang khẩu trang và trang phục bảo hộ khi làm việc.
Chủ cơ sở kinh doanh gia cầm này, anh Nguyễn Văn Ba, cho biết hàng được nhập về từ Vĩnh Phúc. Gần 100 con gia cầm cả loại còn sống lẫn loại đã làm thịt và đông lạnh được tìm thấy đều không có giấy kiểm dịch của thú y. Cả 4 người trực tiếp giết mổ đều chưa được tập huấn kiến thức VSATTP, chưa khám sức khỏe như quy định của ngành y tế.
Một người dân ở gần đó cho biết, cơ sở này vẫn giết mổ gia cầm lâu nay, nhưng vì nể nang nên không ai nói gì. Tổ dân phố đã một số lần góp ý, đồng thời phản ánh lên phường, nhưng họ vẫn làm. Ông Tạ Thành Dương, chủ tịch UBND Phường cho biết, cơ sở này đã bị phạt nhiều lần, thậm chí bị thu hồi giấy phép kinh doanh sản phẩm gia cầm, nhưng vẫn tái phạm.
Tại nhà E2 tập thể Thành công, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một cơ sở giết mổ gia cầm sống. Chủ nhà thừa nhận đã làm nghề giết mổ gà nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép kinh doanh sản phẩm gia cầm.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, người dẫn đầu đoàn kiểm tra, cho biết, Hà Nội đã cấm lưu hành và giết mổ gia cầm sống trong nội thành, nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch cúm. Gia cầm làm sẵn cũng phải có dấu kiểm soát của thú y mới được phép lưu hành. Các sản phẩm vi phạm đều phải bị tịch thu và tiêu hủy.
Có người bán bởi có người mua
Tại một số chợ nhỏ ở Hà Nội hiện nay, gia cầm sống vẫn được bán cho những người có nhu cầu. Vào chợ Quỳnh Mai (quận Hoàng Mai) vào buổi chiều tối, khách hàng sẽ thấy cả mấy hàng gà, ngan bán công khai. Trước thời điểm đó, nếu có khách đến khu vực bán gà, lập tức sẽ có người ra hỏi han và hướng dẫn đến một nhà cách đó ít bước chân, trong để một lồng gà và ngan to. Khách chỉ con nào, chủ hàng chọn con đó làm thịt tại chỗ. Gia cầm làm xong được cho vào túi nylon màu đen.
"Nghỉ bán thế nào được?" - một chị hàng gà tuyên bố - "Nhiều khách chỉ ăn gà ta còn sống làm thịt trước mắt họ thôi". Một bà khách đang chọn gà cũng cho biết, bà không bao giờ mua hàng làm sẵn bởi không tươi ngon bằng, còn gà sạch hầu như toàn giống tam hoàng, không thơm ngọt bằng gà bà trực tiếp chọn ở lồng. Bà tin rằng gia đình mình sẽ không nhiễm cúm bởi chọn gà khỏe mạnh, và không trực tiếp làm thịt.
Với gia cầm làm sẵn, tại các chợ nhỏ vùng ven như Quỳnh Mai, Mai Động..., nhiều con không hề có dấu kiểm dịch. Thường người chủ mua gia cầm sống đem về làm thịt ở nhà rồi mang ra chợ, mỗi ngày bán 5-10 con. Khách hàng sẽ không thể biết được xuất xứ của chúng cũng như tình trạng lúc mổ. Mặc dù vậy, loại thịt này vẫn bán rất chạy.
Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, việc gà không kiểm dịch vẫn xuất hiện trên thị trường không chỉ do người bán hám lợi, cơ quan chức năng lơi lỏng mà còn do người tiêu dùng thiếu ý thức. Cả ba phía đều chưa nhận thức hết mối nguy hiểm của việc tiêu thụ, giết mổ và sử dụng gia cầm thiếu an toàn. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, nguy cơ dịch cúm ở người sẽ khó tránh khỏi, nhất là khi cúm gia cầm đã vào đến cửa ngõ Hà Nội.
Hải Hà