Đó là cái giếng nước tuổi thơ, chẳng biết có từ bao giờ nhưng gắn liền với tên gọi “Giếng bà Phiên”, nghe mộc mạc như tên bà hàng nước. Giếng không đặc biệt như giếng Bá Lễ - góp phần làm nên món cao lầu, đặc sản của Hội An, giếng không thơ mộng như giếng Chùa Chúc Thánh có cây ngọc lan nở hoa trắng mút. Giếng đơn sơ trong xóm nhỏ ven đường, nằm cạnh vòm tre, lá vi vu xào xạc, phân chia ranh giới nhà bà Phiên với nhà ông Đề thuở trước. Lúc còn tí tẹo tôi đã thấy giếng thân quen, thường chạy theo cha lên giếng để ghé vào nhà bà Phiên mua kẹo ú.

Trong hiên quán thấp lè tè, miệng ngậm kẹo, tôi thích thú xem bà Phiên nướng bánh, chiếc quạt tre đan thật khéo, thân quạt hình chữ nhật, có chiếc cán dài kẹp trong bàn tay nhịp nhàng của bà, tay quạt tay nướng, chiếc bánh tráng như vầng trăng nghiêng qua nghiêng lại trên lò than đỏ rực hồng, phả lên mùi thơm… Gian quán nhỏ chỉ có vài lọ kẹo ú, kẹo mè, và một bao bánh tráng treo lủng lẳng trước hiên nhưng khách ghé quán tấp nập.
Nghề chính của cụ là “đổi nước”, quán nước nằm trên con đường cái dẫn vào phố chợ. Đây là điểm dừng chân lý tưởng cho bà con Cẩm Hải, Cẩm Hà, thường ghé vào nghỉ chân uống nước mỗi khi từ chợ phố trở về. Bát nước chè đen sóng sánh được múc từ chiếc gáo dừa khói lên nghi ngút, pha vào một ít nước lạnh múc từ giếng lên, uống vào nghe mát dịu cả người. Bà Phiên giờ đã thành người thiên cổ nhưng giếng nước trong lành gắn liền tên gọi vẫn hiển hiện trong tôi, gợi nhớ về kỷ niệm xa xưa. Hình ảnh bà cụ người đậm thấp, cái đầu trọc mặc chiếc yếm đen, tính tình hồn hậu, tôi vẫn còn nhớ rõ.

Thời ấy cả xóm mới này chỉ có độc nhất giếng bà Phiên, mỗi sớm mai người gánh nước tụ tập nơi đây, giếng vui như hội. Dòng nước ngọt lành thảo thơm phục vụ dân làng. Giếng làm ông tơ bà nguyệt se duyên cho những cặp đôi nên vợ thành chồng. Dòng nước giếng ngọt lành như dòng sữa mẹ, đã nuôi ta lớn khôn, bồi dưỡng tâm hồn ta tình yêu quê hương làng xóm.
Hết thời thơ dại, theo cha để mua kẹo ú bà Phiên, tôi được cha đóng cho đôi thùng gánh nước bằng thùng dầu xà lách, có chiếc đòn gánh cong cong, cha đi trước, tôi chạy theo sau, nhịp nhàng mỗi sáng. Tâm lý trẻ thơ thích làm những công việc người lớn, được theo cha gánh nước cùng lũ bạn trong xóm là điều thích thú vô cùng.
Tôi cùng con Sen, con Giới chơi trò trồng cây, tưới nước xem cây nào lớn nhanh hơn, xem ai trồng được nhiều hơn. Những buổi trưa, lén mẹ lên chùa Lư, nhổ trộm cây về trồng và thỏa sức lội trong bàu nước sau lưng chùa, có lần bị mẹ đánh đòn và dọa “ma da” nhận nước, nên sợ quá không dám bén mảng đến chùa. Lũ trẻ chúng tôi lại tụ tập trong vườn để chơi trò hàng xén, những đêm trăng thì chơi trò múc nước đổ vào hồ, nghêu ngao bài đồng dao: “Múc nước đổ vào hồ, nước trong nước chảy, có cô mười bảy, có cậu mười ba, hai chị em ta cùng chơi múc nước...” Kết thúc bài hát, bốn chân móc lại với nhau tạo thành hình giếng nước. Những trò chơi dân gian đặc sắc, bây giờ nhớ lại như vừa mới chơi ngày hôm qua.
Chẳng còn theo bố gánh nước tưới rau, tôi lại theo mẹ gánh đất đắp đập ở Cẩm Hà. Tuổi thơ với chuỗi ngày khốn khó đã giúp tôi trưởng thành hơn, hiểu được ý nghĩa cuộc sống, biết yêu thương trân trọng người lao động, luôn ý thức được trách nhiệm công dân.
Theo dòng thời gian, xã hội phát triển, cuộc sống vật chất khấm khá hơn, nhà nhà đều có giếng đào, giếng đóng, một số khu vực dùng nước máy. Giếng bà Phiên bây giờ nằm cô đơn bên đường, chẳng còn nghe tiếng gàu xao động vào những đêm trăng, chẳng còn cảnh chụm đầu bên nhau múc nước, để nghe tiếng lá tre reo xạc xào trong gió... Những người một thời gánh nước giờ đi đâu về đâu, tất cả đã đi vào quên lãng.
Song giếng nước vẫn lặng lẽ cạnh ngã tư đường chuyện trò cùng cỏ dại. Nhiều khi thả bộ qua đây, tôi nghe rưng rức bao nỗi niềm khó tả, thẩn thờ nhìn xuống giếng chỉ thấy đất sỏi và um tùm cỏ dại.. Chiều cuối năm, chú Lấu - nhà gần giếng - cầm liềm ra cắt cỏ mọc hoang trên thềm giếng. Tôi nghe bùi ngùi một niềm thương tiếc. Cỏ hết rồi, giếng lấy ai làm bầu bạn. Chú ấy phát quang cây cối để đón xuân về, còn tôi lại tiếc đám cỏ dại gợi nhớ về một thời quá vãng dấu yêu.
Qua rồi cái thời uống nước giếng bà Phiên, tuổi thơ ngoan hiền cùng cha gánh nước giờ đã xa lắc xa lơ, xóm mới cũng đổi thay nhiều theo năm tháng, nhà cao tầng mọc lên san sát, đèn đường sáng trưng, xe cộ tấp nập, nhưng lòng người dường như hẹp lại. Ôi tình quê, ôi giếng nước tuổi thơ giờ đã nằm trong vùng ký ức xa xăm...
Chúc Phương
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |