Các nhà khoa học môi trường cho biết, một giếng methane rò rỉ 205 ngày vào năm ngoái ở Kazakhstan ước tính thải ra 127.000 tấn khí methane vào khí quyển Trái Đất, Business Insider hôm 17/2 đưa tin. Số liệu mới được đưa ra trong một bản phân tích của nhóm nghiên cứu quốc tế từ Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan. Lượng methane này tương đương với mức phát thải của hơn 791.000 xe xăng chạy trong một năm, theo công cụ tính toán trên website của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.
Sử dụng dữ liệu vệ tinh, các nhà khoa học đã ghi nhận lượng lớn methane thoát ra từ giếng số 303 tại mỏ khí Karaturun Vostochny, miền đông Kazakhstan, khi một vụ nổ xảy ra vào ngày 9/6/2023 trong quá trình khoan thăm dò. Vụ nổ tạo ra ngọn lửa cao 10 m và miệng hố rộng 15 m khiến việc bịt kín rất khó khăn. Cuối cùng, đám cháy được kiểm soát vào ngày 25/12/2023, khi Buzachi Neft, công ty vận hành giếng, bơm bùn khoan vào giếng. Tuy nhiên, công ty này phủ nhận việc một lượng lớn methane bị rò rỉ và cho biết, chỉ một lượng không đáng kể methane thoát ra.
Methane là khí nhà kính ước tính có khả năng làm ấm lên toàn cầu cao gấp khoảng 28 lần so với CO2. Khí này cũng đóng góp khoảng 30% mức tăng nhiệt độ trên thế giới kể từ Cách mạng Công nghiệp diễn ra cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.
Khí methane trong suốt đối với mắt người. Nhưng khi ánh sáng Mặt Trời chiếu xuyên qua luồng khí methane, nó sẽ tạo ra dấu vết độc đáo mà một số vệ tinh có thể truy dấu. Vụ rò rỉ methane ở Karaturun Vostochny ban đầu do công ty phân tích địa lý Pháp Kayrros điều tra. Phân tích này đã được Viện Nghiên cứu Vũ trụ Hà Lan và Đại học Bách khoa Valencia, Tây Ban Nha, xác nhận.
Đây có thể là vụ rò rỉ nghiêm trọng thứ hai từng được ghi nhận do con người gây ra, theo chuyên gia Luis Guanter tại Đại học Bách khoa Valencia, thành viên nhóm nghiên cứu. Vụ rò rỉ nghiêm trọng nhất là sự cố với đường ống Nord Stream năm 2022.
Thu Thảo (Theo Business Insider)