21h50 ngày 2/8, tiếng chuông báo thức reo lên sau giấc ngủ vội chừng một tiếng, chị Trâm (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, chi nhánh Cầu Diễn) bật dậy mặc đồ bảo hộ, đi giày, đội mũ, đeo khẩu trang, gắn đèn pin trên đầu, bắt đầu ngày làm việc. Sau vài phút, chị nổ chiếc xe máy Yamaha Sirius màu đen, mang biển số Ninh Bình rời phòng trọ ở làng Tân Mỹ đến ngách 223-252 đường Đại Mỗ thu gom rác.
22h, chị bắt đầu ca làm việc kéo dài 7 tiếng. Theo phân công, chị đẩy xe thùng đi gom rác dọc các ngõ, ngách từ UBND phường Đại Mỗ đến cuối ngõ 299 Đại Mỗ. Khi xe đầy rác "cao quá đầu người", chị dùng xe máy kéo ra điểm tập kết ở cuối đường. Khu vực chị Trâm phụ trách dài hơn một km, hôm nào cũng khoảng 5 xe đầy là xong việc.
Những ngày đang giãn cách xã hội, Hà Nội vào ban đêm gần như không bóng người. Cả đoạn đường chỉ mỗi mình chị. 1h50 ngày 3/8, chị Trâm gom rác trong ngách 223 Đại Mỗ, được đầy chuyến thứ ba. Đường chỗ này nhỏ lại dốc, chị phải đi xe máy xuống chỗ bằng phẳng cách đó chừng 20 mét để đỗ rồi quay lại kéo xe thùng sau.
Giữa đường vắng, bốn nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm, phóng hai xe máy bật đèn pha đi ngược chiều vọt qua. Đây là những người đầu tiên chị gặp kể từ lúc 0h. Nữ công nhân 39 tuổi dáng gầy gò loay hoay dừng xe, vừa gạt chân chống, chưa tắt máy thì khựng lại khi thấy bốn thanh niên này vòng tới chặn đầu.
Một tên thái độ hung hãn, dí kiếm nhựa vào người chị đe doạ, ép giao chìa khoá. Hắn lớn tiếng đếm "một, hai, ba", bắt chị lùi ra xa để cướp xe.
Chị run bần bật, đứng khom người chắp hai tay trước ngực van xin: "Cô đi làm vất vả, cho cô xin lại xe máy". Tên cướp không ngoái nhìn, cúi đầu liên tục đạp nổ máy vì xe hỏng đề. Mặc nạn nhân ngồi sụp xuống đường, khóc "xé tan" màn đêm yên tĩnh. Nhóm côn đồ phóng xe đi về phía quận Hà Đông.
Xung quanh không một bóng người, nhà dân đóng cửa im lìm, chị Trâm với bộ dạng ướt nhèm mặt do nước mắt và mồ hôi, chạy bộ thẳng đến Công an phường Đại Mỗ cách đó 200 mét. Vừa thấy cán bộ trực ban, chị như thể gặp được phao cứu sinh nên lại bật khóc, ấp úng nói: "Em bị cướp xe máy".
Xe mất nhưng vẫn còn ba chuyến rác chưa hoàn thành. Nữ công nhân sợ không làm hết khi trời sáng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nên gọi điện cầu cứu chồng và chị tổ trưởng. Được hai người giúp đỡ, chị xong việc, trở về nhà lúc hơn 5h.
"Như người mất hồn", cả hôm đó chị mất ăn, ngủ vì sợ hãi và tiếc chiếc xe. Năm 2018, xe cũ không dùng được nữa nên vợ chồng mua xe này giá hơn 20 triệu đồng, trả góp trong một năm. Chị sử dụng xe mới để làm việc, còn chiếc Wave tàu chết máy liên tục chồng chị đi.
Người phụ nữ 39 tuổi tự trách mình khi tài sản đáng giá nhất cũng không giữ được. "Xe còn khá mới lại là tài sản giá trị nhất trong nhà, là phương tiện mưu sinh nên tôi càng tiếc đến đờ đẫn", chị Trâm nói.
Một ngày sau, chị Trâm "mừng rơi nước mắt" khi được Công an quận Nam Từ Liêm và các nhà hảo tâm tặng bốn xe máy, mỗi xe trị giá gần 20 triệu đồng. Chị tặng lại hai chiếc cho hai đồng nghiệp cùng tổ thu gom rác. Vài ngày trước, một người bị trộm mất xe, người còn lại thì xe bốc cháy khi đang trên đường đi làm. Hai đồng nghiệp hoàn cảnh đều khó khăn, chưa có tiền mua xe mới.
Gần 10 năm trước, sau cuộc hôn nhân đầu tiên không trọn vẹn, chị đến với người chồng thứ hai rồi cùng nhau ra Hà Nội làm phụ hồ ở các công trình xây dựng. Hai người có một con trai chung, năm nay học lớp hai. Thu nhập không ổn định, gia đình chị vào làng Tân Mỹ thuê một phòng trọ chừng 15 m2 giá một triệu đồng mỗi tháng cho ba người ở.
Tháng 1/2021, sau nhiều năm đi phụ hồ, chị được nhận vào làm công nhân thu gom rác tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, chi nhánh Cầu Diễn. Từ lúc này, với mức lương 6 triệu đồng một tháng, chị trở thành lao động chính và ổn định trong nhà. Do ảnh hưởng của Covid 19, các công trình xây dựng bị gián đoạn, người chồng thất nghiệp triền miên.
Công việc của chị bắt đầu từ 22h đến 5h sáng hôm sau. Chưa bao giờ làm trái giờ như vậy nên một tháng đầu chị Trâm rất sợ, phải "bám" theo người trong tổ hoặc nhờ chồng đi cùng. Suốt 8 tháng làm việc ban đêm, chị chưa bao giờ bị đe doạ hay gặp phải cảnh cướp giật.
Tự nhận đây là công việc vất vả nhưng chị Trâm lại thấy mình may mắn hơn nhiều người khác khi giữa đại dịch vẫn có việc làm, thu nhập ổn định. Chị tâm sự, do "lao động tay chân", chắt chiu đồng lương để mưu sinh qua ngày nên càng hiểu hơn về giá trị của cuộc sống. Đột nhiên từ một biến cố, chị được nhiều người xa lạ quan tâm và biết đến nên rất vui. Tuy vậy, chị vẫn mong mọi người san sẻ sự quan tâm cho các hoàn cảnh khác khó khăn hơn. Với chị như vậy là quá đủ.
Đại diện Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, mỗi xe rác nặng 250-300 kg nên công nhân mất nhiều sức và phải có xe máy mới đưa được đến điểm tập kết. Bởi thế, xe máy là phương tiện làm việc không thể thiếu. Công ty không có các khoá huấn luyện nhưng luôn nhắc công nhân phải tự bảo vệ bản thân với tinh thần "sức khoẻ, tính mạng là quan trọng nhất".
Chị Trâm được công ty đánh giá chăm chỉ, từ khi vào làm chưa nghỉ buổi nào. Có công việc gia đình, chị đều sắp xếp hợp lý để không ảnh hưởng đến công việc.
Chiều 4/8, lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm cho biết đã huy động các lực lượng tập trung xác minh, truy tìm nhóm nghi phạm. Quận đặt mục tiêu hàng đầu phải bắt được nhóm côn đồ này.
Chiếc xe bị cướp của chị Trâm mang biển kiểm soát 35N1-257.92. Người dân khi có thông tin về tang vật và bốn nghi phạm hãy liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất.