Chị Võ Hoàng Thanh Tuyền (quận 2, TP HCM) chuyển dạ, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, hai tuần trước. Sản phụ mang thai có sẹo mổ đẻ trước đây, bác sĩ chỉ định không sinh thường mà mổ bắt con. Ca phẫu thuật diễn ra bình thường, một bé trai chào đời nặng 3,5 kg.
Khi sản phụ trên bàn mổ, các bác sĩ đưa con sang mẹ bế thì thấy toàn thân sản phụ bắt đầu tím tái. Chị lịm đi rất nhanh, dấu hiệu của biến chứng thuyên tắc ối khi sinh.
"Em chưa kịp nhìn kỹ mặt con thì thấy trời đất tối sầm lại, mọi thứ quay cuồng, em lịm đi", sản phụ sau này nhớ lại thời điểm ấy.
Ê kíp trực của bệnh viện Gia Định khởi động quy trình báo động đỏ nội viện huy động hơn 20 bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau. Tiến sĩ Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc hội chẩn nhanh cùng các bác sĩ, chẩn đoán bệnh nhân bị thuyên tắc ối diễn tiến rất nhanh, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân suy hô hấp nhanh nên cần cấp cứu để thông lại đường thở ngay.
Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương, Trưởng khối Sản, khi đó đang ở nhà cũng được huy động vào phòng mổ hỗ trợ. Quá trình xử trí cấp cứu gặp bất lợi vì bệnh nhân bị ngưng tim ba lần, bác sĩ phải tiến hành sốc điện. Sau khi các chỉ số sinh tồn, nhịp tim trở về mức an toàn, bác sĩ Hương cùng ê kip lập tức phẫu thuật. Sản phụ bị băng huyết và đờ tử cung nên kíp mổ cắt bỏ toàn bộ tử cung để đảm bảo an toàn.
Bác sĩ Hương cho biết đây là một trong hai ca thuyên tắc ối nặng nhất được kịp thời cứu sống tại bệnh viện.
Đến nay sau hai tuần nằm viện, sức khỏe chị Tuyền vẫn chưa bình phục hoàn toàn. Bác sĩ Hương cho biết mấy ngày đầu bệnh nhân còn mê sảng, đến nay đã tỉnh táo và nói chuyện được, song còn yếu. Đáng lo nhất là tình trạng suy thận do hệ lụy của thuyên tắc ối, nên sản phụ phải lọc máu hàng ngày và cách ly. Các bác sĩ tiên lượng tốt về khả năng hồi phục chức năng thận của bệnh nhân.