Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, 42 tuổi, trưởng nhóm nghiên cứu kể, bản thân có 8 năm làm việc ở Tây Bắc, được trải nghiệm cách đồng bào Mông, Dao làm giấy từ thực vật.
Khi đến Đồng Tháp, thấy nguồn phụ phẩm từ thân sen rất lớn nhưng nông dân chặt bỏ hoặc vùi xuống đất, chị nảy ra ý tưởng làm giấy. Giữa năm nay, nhóm bắt tay nghiên cứu, nhiều lần thử nghiệm và tìm ra quy trình sản xuất giấy từ thân sen.
Dựa theo phương pháp làm giấy truyền thống, thân sen được nấu trong nước vôi 6-8 giờ. Người thợ sau đó sẽ tách sợi (cellulose) từ thân sen, làm sạch, ngâm với vi sinh khoảng một tuần, giúp sợi trắng tự nhiên, loại bỏ phần bã còn lại.
Sợi được giã nhuyễn bằng cối đá, hoà cùng với nước, tạo hỗn hợp bột sợi. Hỗn hợp đưa lên khung, dùng đầu vòi thuỷ lực tán đều. So với tán thủ công, vòi phun giúp giấy có độ phẳng, đồng đều hơn. Giấy được phơi khô khoảng hai giờ là có thể dùng được.
Theo nhóm nghiên cứu, thân sen chứa khoảng 30% cellulose chỉ thấp hơn gương sen, song loại sợi thực vật từ thân có thể tự liên kết với nhau. Giấy sen có ưu điểm dẻo, vo lại không rách, thấm hút tốt, mùi tự nhiên... Túi xách, bao bì từ thân sen có thể dùng chất kết dính nguồn gốc thực vật để tăng độ chịu lực.
Trung bình 10 kg thân sen, thu được 0,6 kg hỗn hợp bột sợi, làm được một mét giấy. Thân sen giá khá rẻ song các công đoạn mất khá nhiều sức lao động khiến giá thành giấy sen khoảng 110.000 đồng một mét vuông. Theo nhóm nghiên cứu, hầu hết các công đoạn đều có thể dùng máy móc thay thế giúp tăng năng suất và giảm giá thành. Hiện nhóm đặt hàng máy giã sợi.
Sắp tới, các bạn trẻ triển khai mô hình thí điểm trước khi chuyển giao quy trình sản xuất cho những hộ trồng sen, làm ra thành phẩm hoặc bột sợi bán cho các doanh nghiệp sản xuất giấy. Một doanh nghiệp kinh doanh quà lưu niệm từ sen đã đưa túi giấy sen vào kinh doanh từ tháng 11.
Theo chị Phượng, trong lúc chưa sản xuất quy mô công nghiệp, người dân có thể tận dụng thời gian nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, thông qua các cơ hội xúc tiến thương mại, nhóm giới thiệu giấy sen đến các doanh nghiệp chuyên gia công bao bì, đơn vị mỹ thuật, quà tặng, tìm đầu ra lâu dài...
Nhóm đang ấp ủ, triển khai trải nghiệm làm giấy sen cho du khách đến với Đồng Tháp, vừa phát triển du lịch vừa tạo đầu ra cho sản phẩm làm từ sen. Những bạn trẻ hy vọng giấy sen sẽ góp phần hoàn thiện hệ giá trị ngành hàng sen của tỉnh Đồng Tháp trong chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.
Ngoài giấy sen, hiện nhiều thanh niên khởi nghiệp ở Đồng Tháp đã thương mại thành công các loại sản phẩm từ sen như trà sen (từ lá, tim sen), nước giải khát đóng chai, các loại thực phẩm chế biến hạt sen, củ sen, các loại túi lá sen, quà lưu niệm, nước hoa, tinh dầu...
Ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết giấy sen là sản phẩm mang tính tuần hoàn trong chuỗi giá trị sen. Hiện nay các bộ phận từ sen đều không bỏ đi từ lá, thân, hạt, củ sen.
"Nông dân có thêm thu nhập, giúp họ thêm gắn bó với nông sản này", ông nói. Đồng Tháp có hơn 1.200 ha sen, năng suất 900 kg hạt sen một ha, có 49 sản phẩm chế biến từ sen đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm theo tiêu chuẩn Bộ Công Thương).
Ngọc Tài