![]() |
Giấy kiểm dịch được viết sẵn. |
15h ngày 5/8, tại Trạm kiểm dịch An Lạc trên Quốc lộ 1A, huyện Bình Chánh, nơi kiểm soát lượng gia cầm từ các tỉnh miền Tây vào thành phố, chỉ có một nhân viên kiểm dịch ngồi ở băng ghế sau trạm. Trong trạm, cửa đóng kín và... trống không. 15h30, một xe tải chở đầy vịt biển số 64... chạy từ hướng miền Tây vào thành phố dừng trước trạm. Thấy có xe tới, nhân viên kiểm dịch mới chậm rãi đi vào trong phòng, nhận giấy tờ từ tay lái xe để kiểm tra. Chưa đầy 5 phút sau, tài xế quay ra và cho xe thẳng tiến vào thành phố.
Một người dân sống gần trạm cho biết: "Xe chở gà, vịt từ miền Tây lên nhiều nhất vào khoảng từ chiều tối tới 22h đêm". Tại trạm kiểm dịch An Lạc lúc hơn 22h ngày 11/8 chỉ có hai nhân viên. Một lát sau, một chiếc xe tải chở lợn từ hướng miền Tây vào thành phố tấp vào, phụ xe tay cầm xấp giấy mở cửa đi đến trạm trình, rồi nhanh chóng quay lại xe để đi tiếp. Thời gian trình giấy, kiểm tra và đi lại của phụ xe cộng lại chưa đầy một phút.
Nối sau xe tải chở lợn là một xe tải thùng bịt kín mít, cũng từ hướng miền Tây vào thành phố dừng trước trạm. Một người trên xe nhảy xuống trình giấy cho nhân viên trong trạm và hai phút trôi qua, chiếc xe lại tiếp tục chuyển bánh. Kế tiếp là một loạt xe chở đầy heo, gà, vịt sống, ghé vào trạm trình giấy, rồi sau 2-3 phút lại thẳng tiến.
Trong khoảng 30 phút, có gần chục xe tải ghé vào trạm kiểm dịch trình giấy rồi đi, không hề thấy nhân viên kiểm dịch bước chân ra khỏi trạm đến bên xe kiểm tra. Theo một chiếc xe tải chở gà từ miền Tây vào thành phố, sau 3 phút dừng lại trình giấy qua trạm, tài xế cho xe chạy vào đại lộ Nam Sài Gòn, chạy vòng vèo rồi đỗ trước cổng cơ sở giết mổ có tên Út Nhi, ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh phụ xe mở cửa và khuân hàng chục lồng gà đầy ních xếp xuống sân lò mổ.
Tại trạm kiểm dịch Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội (gần đối diện Công viên Văn hóa Suối Tiên), lúc 9h sáng 6/8 không một bóng người. Phía trong chỉ có một nhân viên thú y đang... nằm ngủ trên ghế bố trong nhà nghỉ phía sau trạm. Khoảng 10 phút sau, một xe tải chở đầy heo tấp vào, phụ xe nhảy xuống chạy vào trạm, tìm không thấy ai thì đi thẳng vào trong nhà nghỉ gọi nhân viên đang ngủ dậy. Mắt nhắm mắt mở, anh này ngồi ngay trong nhà nghỉ để "kiểm dịch", vài phút sau đưa giấy tờ cho nhà xe chạy tiếp rồi lại ngả lưng trên ghế bố tiếp tục giấc nồng.
Theo lời một thương lái ở chợ Tân Thới Hiệp, quận 2, cứ lấy mấy con gà trong một cơ sở giết mổ hợp pháp nào đó để xin cái giấy kiểm dịch phòng thân, tốn có vài ngàn đồng. Khi quen mặt rồi, chẳng cần mua gà thì cũng lấy được giấy kiểm dịch. Người này còn cho hay, dân buôn thường hay mua gà ở cơ sở Mạnh Thắng.
Mặt dù cơ sở Mạnh Thắng, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 đã từng bị Chi cục Thú y TP HCM xử phạt, bị tạm dừng sản xuất hồi đầu tháng 1 vì tự ý giết mổ gia cầm chết, giết mổ không thông qua kiểm dịch song thực tế vẫn hoạt động tấp nập. Lò rộng chừng 100 m2, nằm ngay trong khu dân cư, nhà dân san sát. Tiếng người nói, tiếng gà kêu và cả tiếng máy vặt lông xoèn xoẹt, cộng hưởng với mùi tanh nồng của tiết, lông, phân gà... Mối lái chọn gà xong, mang trực tiếp đến cho thợ cắt tiết, làm lông rồi chuyển qua các phòng mổ, hoàn tất.
Công đoạn cuối là các mối ra thanh toán tiền và lấy giấy kiểm dịch tại một bàn trước cửa phòng hoàn tất. Trên bàn, giấy kiểm dịch có sẵn mộc đỏ, tên kiểm dịch viên và cả tên các mối, số lượng gà, nơi đến... được để sẵn trong hai cái rổ nhựa, mối cứ tự nhiên vào bốc lấy giấy của mình. Với mối mới đến, một nhân viên thú y khoảng trên 40 tuổi vẫn thoăn thoắt ghi theo những gì mối khai. Chưa đầy 1 phút sau, anh ta đưa giấy kiểm dịch và bảo đóng 3.000 đồng. Trên giấy có sẵn con dấu của Trạm Thú y quận 12, tên kiểm dịch viên Huỳnh Tất Thắng... Khi mối lấy xe ra về, không thấy ai quan tâm lượng gà mang ra có đúng với khai báo trong giấy kiểm dịch hay không.
Cũng tại cơ sở giết mổ Mạnh Thắng, các giấy kiểm dịch không chỉ ghi sẵn tên mối, số lượng, nơi tới: Hiệp Thành (quận 12), Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), Quang Trung (quận 12), Tân Sơn (Gò Vấp)... mà còn ghi rất ẩu, có giấy ghi số lượng 15 con gà nhưng nặng tới... 150 kg. Đặc biệt, không biết vô tình hay cố ý, ở phần ghi số lượng luôn chừa một khoảng trống rất khéo để các mối có thể "thêm" vào những con số và chữ.
(Theo Thanh Niên)